Tối 3-3, Tổ chức Bảo tồn Động thực vật Hoang dã quốc tế (gọi tắc FFI) đã tổ chức buổi họp báo tại TP.HCM, công bố việc phát hiện một quần thể voọc chà vá chân xám quý hiếm có ít nhất 500 con trong một đợt khảo sát thực địa tại tỉnh Kon Tum (Việt Nam).
Ông Trịnh Đình Hoàng, trưởng nhóm khảo sát của FFI VN, cho biết việc khám phá một quần thể lớn của một loài thú quý hiếm nhất Việt Nam thực sự là một vinh dự.
Trước đó thông tin về loài voọc này chỉ còn khoảng 800-1000 con trên toàn cầu và đã xếp chúng thuộc nhóm 25 loài linh trưởng bị đe dọa tuyệt chủng nhiều nhất.
Tiến sĩ Benjamin Rawson, giám đốc FFI VN, chia sẻ: “Đây là loài voọc của riêng VN mà không nơi nào khác có. Việc phát hiện quần thể mới này đem lại nhiều hi vọng nhưng có một sự thật đáng buồn là chúng đang bên bờ tuyệt chủng và FFI đang làm hết sức mình để ngăn chặn điều này”.
Mặc dù việc phát hiện quần thể mới là một tin vui lớn nhưng loài voọc chà vá chân xám vẫn đang được thế giới xếp hạng bị đe dọa nghiêm trọng. Tiến sĩ Benjamin Rawson nhận định: “Đây vẫn là một bước tiến đúng hướng nhưng để bảo đảm được sự sinh tồn lâu dài của loài voọc này, chúng ta cần phải có sự phối hợp hành động giữa chính phủ, cộng đồng địa phương, xã hội dân sự, giới khoa học lẫn các mạnh thường quân”.
Theo FFI, mới đây các chuyên gia linh trưởng trên thế giới đã công bố danh sách 25 loài linh trưởng nguy cấp nhất toàn cầu. Trong đó có 3 loài tại Việt Nam, gồm: voọc Cát Bà (voọc đầu vàng, 60 con), voọc mông trắng (voọc quần đùi trắng, khoảng 260 con) và voọc mũi hếch (khoảng 250 con).
Tiến sĩ Russell Mittermeier, Phó giám đốc điều hành của Tổ chức Bảo tồn quốc tế (Conservation International), cho biết mục đích công bố danh sách 25 loài linh trưởng nguy cấp nhất trên thế giới nhằm nhấn mạnh những loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng nhất. Từ đó, thu hút sự quan tâm của công chúng, khuyến khích các chính phủ hành động nhiều hơn nữa và chung tay thực hiện những giải pháp bảo tồn cần thiết.
Mức độ đe dọa “cực kỳ nguy cấp”Theo FFI, voọc chà vá là nhóm linh trưởng gồm có 3 loài: chân xám, chân nâu và chân đen. Chúng sống trên cây trong các khu rừng của Việt Nam theo đàn từ 4-30 con. Các loài voọc chà vá có đuôi dài bằng chiều dài của cơ thể (56-76cm). Voọc chà vá chân xám có khuôn mặt vàng, cằm trắng và lớp lông màu xám bao phủ hầu hết cơ thể.
Loài voọc chà vá chân xám được xếp loại “cực kỳ nguy cấp” (mức độ đe dọa cao nhất) trong cả danh sách đỏ về các loài bị đe dọa của Liên minh Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên (IUCN) và sách đỏ của Việt Nam. Chúng liên tục được liệt kê là một trong 25 loài linh trưởng nguy cấp nhất trên thế giới.
Cũng theo FFI, voọc chà vá chân xám chỉ sinh sống ở các khu rừng Tây Nguyên (Việt Nam). Hiện chúng đang bị đe dọa bởi tình trạng phá rừng, mất nơi sinh sống và nạn săn bắn. Không chỉ voọc chà vá chân xám, những loài voọc chà vá nói chung cũng là nạn nhân của hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép hay bị săn bắt để lấy thịt hoặc dùng làm dược liệu.
Những hình ảnh về voọc chà vá chân xám quý hiếm được phát hiện trong đợt khảo sát - Ảnh: FFI cung cấp
Những hình ảnh về voọc chà vá chân xám quý hiếm được phát hiện trong đợt khảo sát - Ảnh: FFI cung cấp
Những hình ảnh về voọc chà vá chân xám quý hiếm được phát hiện trong đợt khảo sát - Ảnh: FFI cung cấp