Thông thạo tiếng Ba Na hơn tiếng ViệtGiáo sư Ngụy Như Kon Tum chào đời ở Kon Tum, trong một gia đình công chức nhỏ. Thân sinh ông là cụ Ngụy Như Bích, lục sự bưu điện. Bà cụ thân sinh, giống như nhiều bà vợ công chức thời đó, ở nhà làm nội trợ, không tham gia công tác xã hội.
Kon Tum vào những năm đầu thế kỷ XIX nhỏ bé, nép mình bên bờ sông Đăk Bla, lèo tèo vài con phố nhỏ, nơi tập trung các gia đình viên chức chính quyền thuộc địa. Gia đình của Giáo sư Ngụy Như Kon Tum sống ở Rue de La Marne (ngày nay là đường Trần Hưng Đạo – TP Kon Tum). Cư dân ở Kon Tum chủ yếu là dân tộc Ba Na, sống trong các làng Kon Ra Chót, Kon Tum Kpâng, Kon Tum Knâm… mà ngày nay vẫn còn. Suốt thời thơ ấu, giáo sư làm bạn với núi rừng Kon Tum, với trẻ em đồng bào DTTS ở Kon Tum, mà đa số là trẻ em người Ba Na. Bởi vậy, Giáo sư Ngụy Như Kon Tum ngay từ thời đó đã nói thạo tiếng Pháp, tiếng Ba Na.
Giáo sư Nguỵ Như Kon Tum
Cũng từ đó mới có kỷ niệm buồn cười sau này. Khi gia đình hồi hương về Huế, trong lúc vui đùa với bạn bè, ông vẫn nói lẫn những tiếng Ba Na. Trong cuốn sách “Giáo sư Ngụy Như Kon Tum“ do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông đã có bài viết kể lại: “Thời còn học ở Trường Quốc học Huế, có một ông thầy đùa tôi hơi ác, không gọi tôi là Ngụy Như Kon Tum mà gọi là “Ngụy Như Mọi””. Bài học phản diện đó đã làm Giáo sư, sau này, khi trở thành thầy giáo, rất thấm thía với nguyên tắc sư phạm: phải thương yêu học sinh như những người thân thích, ruột thịt của mình, phải tôn trọng nhân sách của học sinh, không bao giờ xúc phạm học sinh dù là vô tình hay cố ý .
Ở Kon Tum, ông học lớp Năm, lớp Tư và lớp Ba (theo thứ tự bây giờ là: lớp Một, lớp Hai, lớp Ba). Đến năm 11 tuổi, ông theo gia đình về Huế học lớp Nhì của Trường Cao đẳng Tiểu học Huế, rồi sau đó là Trường Quốc học Huế
Kon Tum ngày ấy nhỏ bé nhưng hùng vĩ, nổi tiếng với các phong trào yêu nước đã để lại nhiều dấu ấn trong tâm hồn thời thơ ấu của Giáo sư Ngụy Như Kon Tum.
Tài – Đức vẹn toànNhiều năm tìm hiểu, nghiên cứu về Đất và Người Kon Tum, bà Vũ Thị Mai – Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh đã nhận xét: Giáo sư Ngụy Như Kon Tum là một người Tài – Đức vẹn toàn.
Sau khi rời Kon Tum, ông ra học tiểu học ở Huế, sau đó, học trung học ở Trưởng Bưởi (Hà Nội). Thông minh, học giỏi, ông được cấp học bổng toàn phần sang Pháp học đại học và sau đó trở thành Thạc sĩ Vật lý đầu tiên của Việt Nam trên đất Pháp. Đầu năm 1939, chàng thanh niên trí thức Việt Nam Ngụy Như Kon Tum được nhà bác học Vật lý hạt nhân người Pháp nổi tiếng F.Joliot đồng ý nhận hướng dẫn làm luận án Tiến sĩ Vật lý và đó cũng là khoảng thời gian ông bắt đầu tiếp xúc với những tư tưởng yêu nước, tiến bộ. Sau này, khi kể lại với học trò, đồng nghiệp, Giáo sư Ngụy Như Kon Tum vẫn còn trăn trở: Rất tiếc khi tôi đang làm luận án tiến sĩ mới được một năm thì Đại chiến thế giới thứ hai bùng nổ. Phòng thí nghiệm của nhà bác học F.Joliot Cuire bị Bộ Quốc phòng Pháp trưng dụng. Giáo sư F.Joliot Cuire khuyên, nếu tôi muốn tiếp tục ở lại thì phải có hai điều kiện là xin nhập quốc tịch Pháp và được Bộ Quốc phòng Pháp tuyển dụng, nhưng tôi nghĩ rằng đất nước của anh cần anh hơn là nước Pháp“. Nghe theo lời khuyên chân thành đó, ông trở về nước vào cuối năm 1939, tham gia giảng dạy tại Trường Trung học Chasseloup (Sài Gòn) rồi Trường Bưởi (Hà Nội).
Giáo sư Ngụy Như Kon Tum đứng cạnh Bác Hồ trong buổi Bác Hồ về nói chuyện với thầy và trò Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông đã tình nguyện khoác ba lô rời Hà Nội lặn lội lên núi rừng Việt Bắc tham gia cách mạng, cùng toàn dân chống Pháp. Năm 1956, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Quyết định bổ nhiệm Giáo sư Ngụy Như Kon Tum giữ chức Hiệu trưởng đầu tiên của nhà trường. Ngày 23/5/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm thầy và trò Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Người căn dặn: “Phải kết hợp lao động trí óc với lao động chân tay, phải tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Học sinh phải cố gắng học tập, kính thầy, yêu bạn…”. Những lời dặn dò giản dị mà rất ý nghĩa ấy của vị lãnh tụ vĩ đại đã chi phối hoàn toàn lý tưởng cũng như cuộc đời của Giáo sư Ngụy Như Kon Tum sau này.
26 năm làm Hiệu trưởng Đại học Tổng hợp Hà Nội cho đến lúc nghỉ hưu (1956-1982), Giáo sư Ngụy Như Kon Tum bên cạnh vai trò của một nhà quản lý có tầm, có tâm, còn là một nhà Vật lý tài ba, có kiến thức chuyên môn uyên bác. Ông là tác giả nhiều công trình nghiên cứu Vật lý hiện đại và một số sách giáo khoa Vật lý ở bậc trung và đại học. Cùng với Giáo sư Nguyễn Xiển, ông đã góp phần xây dựng thành công ngành Vật lý địa cầu ở nước ta. Ông là hình mẫu tiêu biểu của một thế hệ các nhà khoa học yêu nước, sẵn sàng phụng sự Tổ quốc cho đến hơi thở cuối cùng. “Thầy Kon Tum” – cách gọi thân thương của bao thế hệ học trò dành cho ông – biểu tượng đẹp cho cốt cách của một người thầy giáo luôn tận tụy, liêm khiết, khiêm tốn, góp phần đào tạo nhiều thế hệ sinh viên, trong đó nhiều người đã trở thành những nhà giáo, nhà khoa học tài năng.
Quỹ khuyến học Ngụy Như Kon TumTấm gương của Giáo sư Ngụy Như Kon Tum – người sinh ra trên mảnh đất Kon Tum hơn 100 năm và có nhiều kỷ niệm gắn bó với Kon Tum trong thời thơ ấu là nguồn cổ vũ cho lớp lớp thế hệ học sinh trên địa bàn tỉnh không ngừng nỗ lực vươn lên trong học tập và rèn luyện. Bởi vậy, năm 2009, Hội Khuyến học tỉnh đã thành lập Quỹ Khuyến học mang tên cố Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Ngụy Như Kon Tum.
Ông Phạm Hồng Thái – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh cho biết, đã có nhiều tên được đưa ra để đặt tên cho Quỹ Khuyến học tỉnh, nhưng rồi, qua tìm hiểu và nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp của Giáo sư, chúng tôi đã quyết định lấy tên Ngụy Như Kon Tum đặt tên cho Quỹ Khuyến học của tỉnh nhà. “Chúng tôi đã ra Hà Nội, xin gia đình được lấy tên của cố Giáo sư đặt tên cho Quỹ Khuyến học. Cụ bà (nay đã mất -PV) và các con của ông rất cảm động, cho phép thành lập với mong muốn sự nghiệp giáo dục đào tạo Kon Tum được phát triển. Các con ông còn kể, lúc còn sống, ông thường hay kể lại, nhớ lại những năm tháng tuổi thơ với nhiều kỷ niệm đẹp gắn bó với vùng đất Kon Tum hùng vĩ“ – ông Thái cho hay.
Ngày Quỹ Khuyến học Ngụy Như Kon Tum ra mắt, con gái của ông – Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngụy Tuyết Nhung đã vào Kon Tum tham dự và tặng học bổng cho học sinh nghèo hiếu học. Và, từ ngày thành lập Quỹ đến nay, gia đình ông đã ủng hộ 35 triệu đồng tiền mặt và nhiều hiện vật khác; Trường Đại học Quốc gia Hà Nội – nơi ông từng làm Hiệu trưởng – năm 2014, cũng đã ủng hộ cho Quỹ 70 triệu đồng… “Từ nhiều nguồn ủng hộ, Quỹ Khuyến học mang tên Giáo sư Ngụy Như Kon Tum đã trao trên 10 nghìn suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó hiếu học, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBDTTS; trao trên 12 tỷ đồng với trên 1 nghìn phần thưởng cho giáo viên giỏi, học sinh giỏi các cấp; xây dựng cầu “Khuyến học và Dân trí“ ở xã Đăk Ang, huyện Ngọc Hồi…” – ông Thái cho biết.
Trao học bổng Quỹ khuyến học “Nguỵ Như Kon Tum”
“Cái quan định luận“ (ý của người xưa là đậy nắp áo quan, rồi thì sự luận bàn hay dở mới định được rõ ràng) – 24 năm sau ngày ông mất (mất năm 1991), hình bóng, cái Tâm – Đức của Giáo sư Ngụy Như Kon Tum vẫn luôn tỏa sáng.
Tên của ông được đặt cho một đường phố ở Thủ đô Hà Nội, cho một Hội trường của Trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Tại Kon Tum, tên của Giáo sư ngoài được đặt tên cho Quỹ Khuyến học, năm học 2015-2016 này, Trường TH THSP Kon Tum cũng sẽ được đổi tên thành Trường TH THSP Ngụy Như Kon Tum!