Nghệ nhân của rừng Nói đến làng Đăk Wớt (Hơ Moong, Sa Thầy, Kon Tum) ngày nay, không thể không nhắc đến đội nghệ nhân dân gian của làng với 26 thành viên. Họ đã từng đem bản sắc văn hóa độc đáo của buôn làng mình, dân tộc mình tới giới thiệu với bạn bè thế giới tại Mỹ, Hàn quốc, Malaysia… Các cơ quan quản lý, nghiên cứu của Trung ương và địa phương như Viện nghiên cứu văn hóa dân gian; Bảo tàng dân tộc học Việt Nam; Cục di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa – Thể thao Du lịch đã trực tiếp nghiên cứu và đánh giá đây là một đội nghệ nhân độc đáo và có nhiều nét riêng biệt trong khu vực và trong cả nước. Và, khi nhắc đến những nghệ nhân chân đất ấy, càng không thể không nhắc tới linh hồn của đội là một người đàn ông Ba Na mang trong trái tim mình niềm tự hào dân tộc và điệu chiêng xoang đắm say rừng núi.
Năm 1952 chính tại ngôi làng này, một bé trai ra đời, được đặt tên là A Thút. Cha chú bé là ông A Bek, một nghệ nhân chiêng lão luyện của làng và mẹ là bà Y Lang, cô gái Ba Na hát dân ca rất hay múa xoang rất đẹp. Mê chiêng từ nhỏ, cậu bé Ba Na ấy đã luôn theo sát bác A Thim và cha A Bek của mình trong mỗi lần đội chiêng làng vào hội. Chẳng mấy chốc, A Thút đã thành thạo những bài chiêng truyền thống của dân tộc mình.
Lớn lên theo cùng bao nhiêu biến động của buôn làng và thời cuộc, lúc thiếu thời, A Thút đã cùng với một số thanh niên trong làng vượt rừng gùi lương thực tiếp tế cho bộ đội. Bị kẻ địch lùng bắt, cha mẹ gửi A Thút theo học tại trường thiếu sinh quân Plei Ku rồi sang trường Trung học Nguyễn Du tận Ban Mê Thuột. Sau giải phóng, A Thút về lại quê nhà. Lúc này, làng Đăk Wớt dời về lại nơi nguyên gốc là xã Hà Mòn thuộc huyện Đăk Hà, bên tả ngạn sông Pô Kô, cách thị xã Kon Tum chừng 20 cây số. Ở đây A Thút được giao phụ trách Chi hội Thanh niên xã, rồi Phó ban Văn hóa xã, rồi đại biểu HĐND xã. Đến tháng 4/2005, những cư dân của làng Đăk Wớt lại một lần nữa rời ngôi làng cũ để di cư sang phía hữu ngạn sông Pô Cô, nhường đất cho công trình hồ thủy điện PlêiKroong.
A Thút – “báu vật sống” của đại ngàn Ảnh: IE
Xã mới Hơ Moong được thành lập với năm cụm dân cư khang trang. A Thút được giao nhiệm vụ Phó Chủ tịch phụ trách văn hóa, xã hội của xã – một nhiệm vụ biết mấy khó khăn trên hành trình tái định cư trên đất mới. Bao năm vừa làm cán bộ địa phương, vừa tham gia lao động sản xuất nông nghiệp cùng bà con đồng tộc quanh vùng, A Thút vẫn luôn vương vấn trong lòng ký ức về những ngày hội lễ, những đêm sử thi, những làn điệu dân ca dân vũ và đặc biệt là âm vang tiếng chiêng, tiếng trống trầm bổng đồng vọng khắp làng trên buôn dưới. Anh nhớ mãi hình ảnh bà con trong những năm chiến tranh lưu tán, dẫu phải bỏ lại buôn làng cùng ruộng nương nhưng người già vẫn gói buộc kỹ càng bộ chiêng quý của làng mang theo.
Đem chiêng đi đánh xứ người
Cuộc đời A Thút thật sự có ý nghĩa và bước sang một trang mới vào năm 2001, khi đó, dự án “Điều tra, sưu tầm Sử thi Tây Nguyên” do Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian (nay là Viện Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức, mời anh tham gia đoàn sưu tầm. Thật may mắn, cụ A Bek – cha của A Thút là người biết hát kể sử thi hay còn được gọi là kể Hơ mon. Cụ là một trong những người hiếm hoi ở Tây Nguyên được công nhận là nghệ nhân diễn xướng sử thi Ba Na. Cùng với cha mình, A Thút âm thầm tìm hiểu, dịch nghĩa các bài Hơ mon cổ để truyền bá những giá trị nghệ thuật, văn hóa độc đáo của sử thi Tây nguyên cho công chúng. Cùng với đội chiêng xoang, A Thút mơ sao cho tiếng chiêng của buôn làng mình được vang xa, bay cao cho mọi người mọi nơi biết đến.
Đội chiêng của Đăk Wớt
Và rồi, mơ ước đưa tiếng rừng, tiếng núi được bay cao, vang xa của người nghệ nhân Ba na ấy đã thành hiện thực. Niềm vui vỡ òa khi anh cùng 16 nghệ nhân làng mình được chọn sang Hợp chủng quốc Hoa Kỳ theo chương trình “Mê Kông – dòng sông kết nối” năm 2007. Ở đó, đoàn của anh không những làm cho người nghe ngẩn ngơ bởi những làn điệu trống chiêng độc đáo mà còn khiến thiên hạ thán phục với việc chỉ chiếc rìu thô sơ mà đẽo nên con thuyền độc mộc tinh xảo cũng như trổ tài đan lát các vật dụng mỹ nghệ chỉ từ tre nứa đơn sơ… Bạn bè thế giới từ chỗ ngạc nhiên đã thấy được cái hay, cái đẹp của một loại hình nghệ thuật đã được tôn vinh di sản. Tiếng chiêng xoang đến từ núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ có sức mời gọi bạn bè quốc tế cùng tham dự trong nhịp bước thân thiện, rộn ràng.
Niềm vui nối tiếp niềm vui. Tháng 6/2008, anh lại cùng đoàn nghệ nhân Việt Nam đến Thủ đô Kualar Lumpuar của Malaixia biểu diễn và dự hội thảo “Văn hóa truyền khẩu các nước Asean”. Tháng 10 năm ấy, A Thút lại cùng 10 nghệ nhân khác đi Hàn Quốc tham dự “Festivai dân ca và cồng chiêng”. Ở tất cả các cuộc liên hoan quốc tế này, đoàn Việt Nam đều được cấp bằng Chứng nhận Nghệ nhân một cách trang trọng.
Trong suốt bao năm qua, A Thút đã cùng đội chiêng của mình tham gia hầu hết các Liên hoan cồng chiêng trong cả nước. Từ những hoạt động không biết mệt mỏi ấy, A Thút đã nhận được nhiều bằng khen giấy khen của các cấp, các ban ngành, đơn vị… Đây chính là niềm động viên cho anh ngày càng có nhiều đóng góp mới trong các hoạt động văn hóa dân gian.
Chất nghệ sỹ trong con người A Thút là vậy, nhưng với vai trò là một Phó Chủ tịch phụ trách văn hóa – xã hội của một xã thuộc diện “vùng 3” – vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Kon Tum, anh cũng đã có nhiều đóng góp xứng đáng cho chính quyền và nhân dân nơi đây. Bà con Hơ moong sau khi định cư trên đất mới vẫn còn đối mặt với biết bao thiếu khó. Đã vậy, tà đạo Hà Mòn từng len lỏi, đeo bám cuộc sống tinh thần của bà con như vòi bạch tuộc đã theo sang đất mới khiến cuộc sống càng nghẹt thở.
Cùng với tập thể lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND xã và các chiến sỹ an ninh Công an tỉnh Kon Tum, Phó Chủ tịch A Thút đã đến từng buôn làng để vận động bà con từ bỏ tà đạo, từ bỏ những hoạt động làm hoen danh một vùng quê giàu truyền thống. Trong những tháng ngày khó khăn ấy, những chiến sỹ Công an tỉnh Kon Tum đã luôn ở bên cạnh bà con, chia sẻ cùng họ những băn khoăn, nghi ngại, động viên buôn làng mở lòng đón nhận những người lầm đường lạc lối.
Và, công sức của các anh đã không uổng phí khi những vạt dã quỳ nở vàng trên rẫy, báo hiệu Xuân về thì nhiều gia đình đã chuyển đồ đạc, đưa con cái trở về với buôn làng, trở về với cuộc sống đời thường. Nhịp cồng, tiếng chiêng lại được ngân vang trong bình yên, báo hiệu niềm vui, nỗi buồn cộng cảm của mỗi cộng đồng làng.
Đưa hồn Tây Nguyên vang xa
Ngày nay, làng Đăk Wớt cùng nhiều buôn làng khác vẫn lặng lẽ yên bình bên triền sông Pô Kô thượng nguồn lòng hồ thủy điện PleiKroong. Bà con nơi đây vẫn còn nhiều thiếu khó. Tuy nhiên những ai có dịp về thăm làng Đăk Wớt những ngày xuân này, nếu muốn thưởng lãm, sẽ có ngay một đội nghệ nhân tại chỗ dưới sự tổ chức của A Thút sẵn sàng biễu diễn dưới mái nhà rông bên bóng tỏa cây đa già cổ thụ uy nghiêm. Tất cả đều trưởng thành từ các lớp học do A Thút dày công tổ chức và hướng dẫn.
Mỗi dịp chuẩn bị cho lễ hội hoặc đi lưu diễn ở đâu đó, A Thút lại mang những bộ chiêng, trong đó có bộ rất quý, để cho làng tập luyện. Không những thế, anh còn lùng mua những bộ chiêng từ bên Lào mà ngày xưa người làng vốn có nhưng đã bán mất đi, hoặc mất trong chiến tranh. Sưu tầm chiêng mãi đến giờ, A Thút có trọn 3 bộ chiêng quý với trên 30 cái cả thảy, trị giá trên 500 triệu đồng. Theo đó, bộ chiêng quý chỉ mang ra đánh những ngày lễ hội lớn, 2 bộ còn lại thì mang ra dạy cho thanh niên làng.
Bộ chiêng quý đó, vào năm 1983, A Thút đã phải đổi ba con bò, một tài sản rất lớn lúc bấy giờ. Năm ấy làng Đăk Wớt mất mùa, mọi người dân trong làng có bao nhiêu chiêng, ché đều mang ra bán hoặc đổi lấy lương thực. Chứng kiến cảnh ấy, A Thút không đành lòng. Anh đã quyết tâm để mua lại bộ chiêng cho bằng được, dù đã bán đi gần hết tài sản trong gia đình , kể cả mấy con bò.
Không chỉ cố gắng truyền dạy cồng chiêng cho lớp trẻ, A Thút còn thắp lửa đam mê cho cậu con trai A Thảo. Thảo hiện là một tay chiêng không thể thiếu trong dàn chiêng, đã được theo cha đi nhiều hội diễn quốc tế. Với niềm đam mê nhiệt huyết, với ư thức truyền đời giữ gìn bản sắc văn hóa của cá nhân và gia đình A Thút, chắc chắn tiếng cồng chiêng Tây nguyên sẽ còn vang xa, bay cao hơn nữa.
Giờ, bên bếp củi, A Thút ôm cây đàn tinh ninh và ngân nga bài dân ca truyền thống của dân tộc Ba Na mà anh mới sưu tầm được. Bài dân ca Rủ nhau đi hái rau rừng có nội dung nói về một đôi tình nhân rủ nhau vào rừng hái rau, bẫy chuột vào mùa khô nhưng đầy ý tứ và tình cảm lay động lòng người. Dẫu sân khấu chỉ là một góc bếp oi nồng mùi khói và khán giả là những người bạn mới quen, nhưng A Thút vẫn biểu diễn say sưa như thể đang biểu diễn trước muôn người. Và, càng biết bao trân trọng mơ ước đưa tiếng rừng, tiếng núi, tiếng của ông cha truyền đời bay cao, vang xa của người nghệ nhân Ba Na có tên A Thút.