Mùa bắt chồng trên tây nguyên

Thứ tư - 30/07/2014 21:52
Ở Tây Nguyên muốn có chồng phải đi bắt, lễ bắt chồng phải diễn ra ban đêm. Khi thích một chàng trai nào đó, cô gái về thông báo cho gia đình và dòng họ biết, gia đình sẽ đến nhà trai nói chuyện hỏi dạm.
Mùa bắt chồng trên tây nguyên
Mùa bắt chồng trên tây nguyên
Khi cái lạnh cùng những cơn gió hanh hao dần lùi vào các cánh rừng cũng là lúc khắp các thôn bản của đồng bào dân tộc Chu Ru, Cil, Cơ-ho… Tây Nguyên nói chung rộn rã bước vào mùa cưới - Mùa bắt chồng. Với họ, mùa xuân gõ cửa cũng đồng nghĩa với một niềm vui nhân đôi ùa tới từng bản làng, ngõ xóm. Và, một trong những tín vật kết nối mang tính linh thiêng nhất là những cặp Srí (cặp nhẫn cưới theo tiếng dân tộc). Xung quanh những cặp nhẫn này là hàng ngàn điều huyền diệu mang đậm bản sắc Tây Nguyên. Sự độc đáo này đã khắc chạm nhiều ấn tượng đẹp về văn hóa Tây Nguyên trong ký ức của du khách khi đến Tây Nguyên du xuân đầu năm.

Những mật ngữ của Srí…


Những ngày xuân Tây Nguyên, khắp nơi rộn ràng lễ hội xuân  - Lễ hội bắt chồng. Trong cách gọi của các đồng bào dân tộc Tây Nguyên thì cặp nhẫn cưới là Srí khác với cách làm nhẫn của người Kinh. Những cặp Srí này mang một sức mạnh huyền bí vừa kết nối vừa mang một quy ước, một lời thề ngầm về hạnh phúc gia đình khi người con gái đã hoàn thành thủ tục bắt chồng. Người dân Tây Nguyên quan niệm con trâu là một con vật linh thiêng, mang sức mạnh và sự đầm ấm, sung túc; còn con ong mang biểu tượng của lòng kiên trì, miệt mài lao động nên chất liệu chính góp phần vào quá trình hoàn thành những cặp Srí này ngoài bạc là sáp ong và phân trâu - thường là trâu đực có trên 3 tuổi cùng một ít đất sét lấy từ nơi bí mật trong những khu rừng già vào những ngày đầu xuân. Hợp chất này trộn lẫn làm khuôn nhẫn.

Cặp nhẫn trống mái - tín vật quý giá nhất trong Lễ bắt chồng được Ya Tuất làm trong Đêm 30 Tết.

Để có một cặp nhẫn cưới hoàn hảo, các nghệ nhân cũng phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ: Lấy sáp ong nấu chảy, trộn phân trâu rồi dùng que gỗ tròn nhúng vào, chờ khô rút que gỗ ra, sáp ong và phân trâu khô quánh thành những ống tròn, nghệ nhân cắt thành những khuyên tròn để làm khuôn đúc nhẫn. Sau khi bạc đã được đun nóng chảy thì đổ vào khuôn, khi đó sáp ong và phân trâu trước sức nóng của bạc mới nấu chảy sẽ bết chặt vào bạc và thành một lớp men bên ngoài cho chiếc nhẫn. Đêm trước khi bắt tay vào đúc nhẫn, người thợ phải tắm rửa sạch sẽ bằng nước một loại lá thơm hái trong rừng đồng thời phải cách ly, không được gần gũi vợ. Tuy người đàn bà đóng vai trò mang nhẫn đi hỏi cưới và đeo nhẫn cho người đàn ông nhưng người đàn bà lại không được tham gia làm nhẫn vì người ta cho rằng sức mạnh gắn kết từ người đàn ông mạnh mẽ hơn, uy lực hơn, tiềm ẩn và phóng túng hơn.

Bắt chồng được bắt đầu từ ngày Mồng Một Tết âm lịch cho đến hết tháng ba. Hàng ngàn cô gái khao khát được sở hữu những cặp nhẫn đẹp để đi bắt chồng nhưng đến thời điểm này ở Lâm Đồng chỉ còn duy nhất một nghệ nhân làm được “nhẫn bắt chồng”, đó là Ya Tuất ở Đơn Dương. Hơn 20 năm nay anh vẫn miệt mài làm ra hàng triệu chiếc nhẫn và mỗi chiếc nhẫn được trao cho các cô gái đi bắt chồng với anh là một niềm hạnh phúc. Nói về vấn đề này, Ya Tuất tâm sự: “Người Kinh thường rộn ràng với Ngày lễ tình yêu 14-2 thì các đồng bào mình đặc biệt là những cô gái, khi đã đến tuổi trưởng thành, từng ngày khao khát đến mùa xuân để được cầm trên tay chiếc nhẫn cưới đến đeo vào tay người mình đã hết lòng yêu và nhớ… Nhiều cô gái mang chiếc nhẫn về ôm chặt vào ngực mình thổn thức cả ngày trời trước khi đi đeo cho người mình yêu nên làm được càng nhiều nhẫn bao nhiêu, Tuất càng hạnh phúc bấy nhiêu”. Tuy làm nhẫn không đòi hỏi nhiều kỹ thuật cao nhưng phải là những người thực sự có năng khiếu. Ya Tuất may mắn học làm được từ sự chỉ dạy của ông cậu là Ya Grang. Và Ya Tuất tin vào cái duyên ngầm của người truyền dạy và người học. Nhắc đến điều này Ma Wel - vợ Ya Tuất bật mí thêm: “Nó (ngôn ngữ dân tộc thường dùng gọi chồng) học được cái nghề này là do mẹ nó bắt học đấy. Mẹ nó ngày xưa đẹp lắm. Học cái nghề này khó lắm, cái bụng, cái đầu phải chăm chú thật nhiều”. Hiện tại Ya Tuất đã làm được 14 loại nhẫn khác nhau. Đặc biệt, Ya Tuất vừa làm vừa truyền nghề cho cậu con trai của mình như một khát khao muốn gìn giữ.

Lưu luyến những đêm hội bắt chồng

Như một nét văn hóa riêng đã tồn tại nhiều năm, những cô gái dân tộc Chu Ru, Cil, Cơ-ho… ở Tây Nguyên muốn có chồng phải đi bắt, lễ bắt chồng phải diễn ra ban đêm. Khi thích một chàng trai nào đó, cô gái về thông báo cho gia đình và dòng họ biết, gia đình sẽ đến nhà trai nói chuyện hỏi dạm. Nếu cả hai dòng họ đồng ý, cô gái sẽ đến đeo nhẫn vào tay người con trai vào đêm đẹp trời. Trường hợp người con trai không thích có thể tháo nhẫn trả lại nhưng đến 7 ngày sau, cô gái lại chọn một đêm đẹp trời đến đeo nhẫn cho chàng trai và cứ thế lặp đi, lặp lại cho đến khi nào chàng trai thương và chấp nhận thì đám cưới diễn ra. Trước khi cưới một ngày, buôn làng tổ chức một đêm hội gọi là “Đêm hội bắt chồng”.


Đêm hội này mừng thành công của cô gái đã bắt được chồng. Trong đêm hội này, chàng trai và cô gái phải đọc một số câu luật tục riêng của đồng bào mình, có một số câu luật độc đáo như: “Tìm vợ, tìm chồng phải hỏi mẹ cha; ăn ruộng, ăn rẫy phải hỏi tai con trâu, con bò; làm bẫy phải hỏi thần núi, về với vợ như về với nước…”. Ngày cưới, chàng trai và cô gái rút nhẫn ra hôn nhẫn và đeo lại cho nhau. Sau lễ cưới 7 ngày, cô gái tháo nhẫn đưa mẹ chồng cất giữ và ngược lại, nhẫn chàng trai do mẹ vợ cất giữ. Nếu cuộc sống vợ chồng sau lễ bắt chồng xảy ra mâu thuẫn không hòa hợp, ai đề nghị ly hôn trước thì người đó phải đưa một con trâu cho người kia (phải là trâu đực). Đồng thời, sau lễ bắt chồng, ai chung chạ, ngoại tình với người khác phải đền ba con trâu đực to và số trâu sẽ tăng lên nếu ngoại tình nhiều lần. Đây cũng được xem như một luật tục riêng làm tăng tính gắn kết và chung thủy trong cuộc sống vợ chồng. Bởi Lễ bắt chồng còn được các đồng bào ở đây xem như một việc đại sự của cả dòng họ và chiếc nhẫn thành tín vật chung cho hai dòng họ.

Tác giả bài viết: Nhật Trường - Sưu Tầm

Nguồn phát: samtuoingoclinh.com

 Từ khóa: sâm dây kon tum

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Tuyên bố trách nhiệm: Thông tin trên samtuoingoclinh.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên samtuoingoclinh.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
  • Xách ba lô lên tới Măng Đen Kon Tum,

    Xách ba lô lên tới Măng Đen Kon Tum, "Đà...

    Đến với Kon Tum, đến với Măng Đen, bạn được đến một cao nguyên đầy nắng và gió, nhưng Măng Đen cho bạn một cái gì đó nó rất khác, đối với riêng tôi, mỗi khi đến Măng Đen là một cảm giác gì đó tươi...

  • Tham quan bản làng của các dân tộc ở Kon...

    Tham quan bản làng của các dân tộc ở Kon...

    Tìm hiểu, chúng tôi biết thêm, nghề dệt thổ cẩm ở đây được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác; người lớn truyền dạy cho lớp trẻ; cụ thể là phụ nữ/ con gái nhưng đơn lẻ chưa tập hợp thành tổ hợp...

  • Kon Tum: Chiêm ngưỡng chiếc cầu treo...

    Kon Tum: Chiêm ngưỡng chiếc cầu treo...

    Cầu treo Kon Klor đã trở thành niềm tự hào của người dân Kon Tum và là điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi ghé thăm mảnh đất này.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây