Nông dân mới - trụ cột của nông nghiệp thời hội nhập

Thứ bảy - 07/03/2015 11:24
“Xây dựng hình mẫu người nông dân “5 mới” là yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ hội nhập”- ông Nguyễn Quốc Cường- Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (Hội NDVN) khẳng định như vậy khi trao đổi với NTNN xung quanh định hướng xây dựng hình mẫu người nông dân “5 mới”. Đây là nội dung quan trọng thể hiện xuyên suốt trong một đề án đang được Hội NDVN xây dựng.
Chủ tịch Nguyễn Quốc Cường (phải) thăm trang trại trồng thanh long ruột đỏ của nông dân xã Hưng Đạo, TP.Cao Bằng (Cao Bằng).
Chủ tịch Nguyễn Quốc Cường (phải) thăm trang trại trồng thanh long ruột đỏ của nông dân xã Hưng Đạo, TP.Cao Bằng (Cao Bằng).
Theo Chủ tịch Nguyễn Quốc Cường, xây dựng nông thôn mới (NTM) thì phải có người nông dân mới (NDM). Việc Hội NDVN xây dựng hình mẫu NDM dựa trên cơ sở thực tiễn phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn (NN-ND-NT) kể từ khi đất nước thực hiện công cuộc đổi mới và dựa trên chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, giải pháp của Chính phủ nhằm thực hiện quá trình tái cơ cấu nền kinh tế trong đó có tái cơ cấu ngành nông nghiệp…
Từ phác họa người ND “5 nhất”…
Hình ảnh người ND thời kỳ đổi mới có thể khắc họa như thế nào, thưa Chủ tịch?
- Hình ảnh người ND thời kỳ đổi mới gắn liền với sự đổi mới về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp. Có thể nói, đổi mới ở Việt Nam khởi đầu từ nông nghiệp và ND chính là lực lượng có nhiều sáng tạo, năng động góp phần quan trọng làm nên những thành tựu của đổi mới. Từ một quốc gia nghèo đói, thiếu lương thực trầm trọng, chỉ sau 2 năm đổi mới, năm 1989 Việt Nam lần đầu tiên xuất khẩu gạo.
Sau gần 30 năm thực hiện đổi mới, ngoài gạo còn xuất hiện thêm nhiều nông sản chủ lực của Việt Nam như cà phê, tiêu, điều, cao su, thủy sản… Chúng ta đứng thứ hạng cao thế giới về sản lượng và giá trị xuất khẩu. Mới đây nhất, năm 2014, xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam đạt tới 31 tỷ USD. Với đức tính chịu khó, hăng say sáng tạo trong lao động sản xuất, dần thích ứng với cơ chế thị trường, đời sống của người ND từ nghèo đói đến no đủ, từ no đủ đến khấm khá và một bộ phận không nhỏ vươn lên khá giả. ND là lực lượng chủ công trong xóa đói, giảm nghèo và làm giàu ở nông thôn.
Nói như vậy thì có vẻ nông nghiệp ở ta rất vững vàng, ND phấn khởi và bức tranh nông thôn nhiều màu sáng. Thế nhưng, nếu không nhầm thì đã nhiều lần trong các bài phát biểu, Chủ tịch luôn nhắc là ND có nhiều cái nhất theo chiều hướng tiêu cực. Về điều này, ông lý giải ra sao?
- Nói nông nghiệp của ta vững vàng, ND phấn khởi, bức tranh nông thôn có nhiều gam màu tươi sáng là một nhận định đúng cả về thực tiễn và lý luận. Trong 30 năm qua, chúng ta có đầy đủ các tư liệu để minh chứng cho sự phát triển vượt bậc của nông nghiệp, sự đổi thay căn bản của bộ mặt nông thôn và đời sống vật chất, tinh thần của người ND được cải thiện đáng kể.
Thành tựu nông nghiệp, phát triển nông thôn, xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam đều được quốc tế khẳng định và đánh giá cao. Điều này đã được tổng kết qua Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCH T.Ư Đảng khóa X về NN-ND-NT (Nghị quyết số 26, ngày 5.8.2008).
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu thì tại Nghị quyết 26, Đảng cũng chỉ rõ những hạn chế, yếu kém của nông nghiệp, nông thôn, thua thiệt của ND… Có thể nói rằng, “với sự phát triển đi lên của đất nước, so với trước, ND ta khá hơn nhiều, nhưng với mặt bằng chung thì chân dung người ND hiện nay có 5 cái nhất, đó là: Nghèo nhất, nhiều bức xúc nhất, hy sinh nhiều nhất, đóng góp nhiều nhất và hưởng lợi từ thành tựu đổi mới ít nhất.
… tới hình mẫu người ND “5 mới”
Phải chăng để góp phần giải quyết, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong phát triển NN-ND-NT, Hội NDVN mới xây dựng đề án về hình mẫu người NDM, thưa Chủ tịch?
- Nghị quyết 26, khóa X ra đời đã xác định quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển bền vững NN-ND-NT trong một bối cảnh mới-đó là nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế. Tại Nghị quyết 26, Đảng đã xác định NN-ND-NT có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH-HĐH), xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các vấn đề NN-ND-NT phải được giải quyết đồng bộ, trong đó ND là chủ thể của quá trình phát triển… Tóm lại, Nghị quyết 26 hướng đến mục tiêu phát triển NN hiện đại, ND là chủ thể và NT phải mới. CNH-HĐH đất nước có thành công trước hết phải thành công trong CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn. Để CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn thì đương nhiên phải có người NDM. Bởi một lẽ đơn giản, ND làm nông nghiệp, ND sống ở nông thôn. Do đó, phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp nếu không có ND tham gia thì không thành công…
Việc Hội NDVN xây dựng hình mẫu người NDM là một trong những bước tiếp theo để Hội thực hiện Nghị quyết 26, thưa Chủ tịch?
- Đúng vậy! Tại giải pháp thứ 7 của Nghị quyết 26 nêu rõ: “… tạo cơ chế và điều kiện thuận lợi cho Hội ND Việt Nam trong việc trực tiếp thực hiện một số chương trình, dự án phục vụ sản xuất, nâng cao đời sống của ND, hướng dẫn phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp”.
Để thực hiện Nghị quyết 26, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 800 ngày 4.6.2010 về phê duyệt mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020. Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Hội NDVN đã chủ động xây dựng Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội NDVN trong phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM và xây dựng giai cấp NDVN giai đoạn 2010-2020”. Đề án đã được Ban Bí thư thông qua, ra Kết luận số 61 Kl/TW ngày 3.12.2009 (KL 61) và thành lập Ban chỉ đạo thực hiện.
Để thực nhiện KL 61, ngày 10.5.2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 673-QĐ/TTg (QĐ 673) “Về việc Hội NDVN trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011-2020”.
Với sự quan tâm lãnh đạo của Ban chỉ đạo, tạo điều kiện của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, sau 5 năm thực hiện KL 61, 3 năm thực hiện QĐ 673, đề án đạt được nhiều kết quả tích cực, nhất là ở 2 nội dung Hội NDVN được giao trực tiếp thực hiện. Theo đó, Quỹ HTND các cấp tăng hơn 1.000 tỷ đồng, đạt quy mô hơn 1.700 tỷ đồng, giúp 380.000 hội viên, ND có thêm vốn xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, giúp Hội ND các cấp có thêm điều kiện hướng dẫn, vận động, nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể…
Hiện cả nước đã có 28 Hội ND các tỉnh, thành phố tiến hành xây dựng trung tâm dạy nghề và hỗ trợ ND, tạo điều kiện tốt hơn để Hội ND thực hiện các hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ và dạy nghề. Qua đó, vị thế, vài trò của Hội NDVN được nâng cao…
Trở lại với đề án mà Ban Bí thư ra KL 61, Chủ tịch có nói, trước nay chúng ta mới chỉ thực hiện vế đầu, còn vế sau chưa chú ý. Chủ tịch có thể lý giải thêm về điều này?
- Thực tiễn sau 5 năm thực hiện KL 61 của Ban Bí thư, QĐ 673 của Thủ tướng Chính phủ, chúng ta đã và đang làm khá tốt mới chỉ vế đầu của đề án: Đó là “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới…”. Còn vế sau: “… xây dựng giai cấp NDVN” thì chưa được chú trọng. Xây dựng giai cấp NDVN là gì? Chính là đầu tư cho con người, mà cụ thể là đầu tư cho ND. Đề án xây dựng hình mẫu người NDM mà Hội NDVN đang chủ trì xây dựng chính là góp phần hướng tới người ND “5 mới” với 10 đặc điểm.
Chủ tịch có đề xuất hình mẫu người ND “5 mới”. Chủ tịch có thể khắc họa cụ thể hơn?
- Hình mẫu người ND thời kỳ CNH-HĐH phải có 5 cái mới. Đó là có tư duy mới; có nhận thức mới; có kiến thức mới; có đời sống văn hóa mới và có quyết tâm mới. Về tư duy mới, sản xuất nông nghiệp phải là sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị bắt nguồn từ yêu cầu thị trường và hội nhập kinh tế thế giới. Về nhận thức mới: ND là chủ thể, mà chủ thể thì phải chủ động, bớt dần và tiến tới bỏ hẳn tâm thế “Lạy trời mưa xuống/ Lấy nước tôi uống/Lấy ruộng tôi cày/Lấy bát cơm đầy…” hoặc trạng thái trông chờ, ỷ lại. Giàu kinh nghiệm sản xuất là tốt, nhưng trong thời kỳ hội nhập, để thành công thì ND phải có kiến thức về khoa học kỹ thuật, công nghệ, quản lý, thông tin thị trường...
Cùng với phát triển kinh tế, làm giàu thì người ND mới phải biết xây dựng, giữ gìn truyền thống văn hóa tốt đẹp, nhưng cũng phải biết hưởng thụ về văn hóa, tinh thần. Với văn hóa truyền thống phải biết “gạn đục khơi trong”, sáng tạo, làm mới. Cuối cùng, người ND phải có quyết tâm mới. Tôi đã gặp rất nhiều ND khá, giàu, giỏi. Câu hỏi đưa ra là động lực nào, nguyên nhân nào khiến họ thành công? Câu trả lời chung nhất vẫn là từ quyết tâm không cam chịu đói, nghèo.
Mở rộng hình mẫu người ND thời kỳ CNH-HĐH, tôi đề xuất 10 đặc điểm cụ thể của ND “5 mới” như sau: Một là có trình độ, kiến thức, KHKT tương ứng. Hai là lành nghề về nông nghiệp. Ba là có kỹ năng sử dụng máy móc, tin học, dịch vụ công. Bốn là có thể lực và trí lực. Năm là biết giữ gìn và phát huy, hưởng thụ văn hóa. Sáu là kết hợp bản chất cần cù với sáng tạo. Bảy là có ý chí vươn lên không cam chịu đói nghèo. Tám là biết liên kết, hợp tác trong kinh doanh. Chín là có ý thức bảo vệ môi trường. Mười là có tình cảm tốt đẹp với gia đình, xã hội.
“Tái gì thì tái”, muốn thành công phải có ND
Dù rất phấn khởi với thành tựu của NN-ND-NT, nhưng có vẻ như Chủ tịch vẫn còn điều gì đó trăn trở, lo lắng?
- Trăn trở, lo lắng chứ! Hợp tác, hội nhập quốc tế là xu hướng chủ đạo. Với nông sản, yêu cầu của thị trường trong nước và thế giới ngày một khắt khe hơn về tiêu chuẩn, chất lượng, thương hiệu, an toàn thực phẩm. Chúng ta không thể xuất mãi nông sản thô, lấy số lượng, sản lượng để tự hào rằng mình đứng nhất, nhì thế giới. Điều đó có còn quan trọng không khi với cách làm cũ, sức lực ND, năng suất, sản lượng nông sản đã chạm tới giới hạn.
Chìa khóa thành công ở đây là gì nếu không phải là đổi mới quản lý, điều hành kinh tế, trong đó có kinh tế nông nghiệp. Phải xác định rõ đâu là thế mạnh, đâu là điểm hạn chế, yếu kém để rồi phân bổ lại nguồn lực đầu tư. Khoa học công nghệ sẽ là một trong những trụ cột không thể thiếu để nông nghiệp Việt Nam có bước phát triển mới. ND phải được hướng dẫn, hỗ trợ tham gia các liên kết trong sản xuất, tiến tới có chỗ đứng vững vàng trong chuỗi giá trị các mặt hàng nông sản. Làm được điều này, Nhà nước phải làm tốt vai trò kiến tạo bằng những cơ chế, chính sách sát thực tiễn, khả thi…
Hiện nay quy mô phổ biến vẫn là sản xuất nông hộ, dù nhiều địa phương đang tích cực dồn điền, đổi thửa. Đất chật, người đông, tỷ lệ lao động nông nghiệp còn lớn, chuyển dịch lao động từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ còn chậm.
Giải pháp thiết thực nhất lúc này có lẽ là phải hướng dẫn, động viên, hỗ trợ để hình thành mối liên kết giữa ND với ND, giữa ND với doanh nghiệp; hình thành nên các mô hình kinh tế tập thể trong NN, NT, đi từ nhỏ tới lớn, nhanh nhưng phải chắc, tránh nóng vội, duy ý chí. Sản xuất phân tán rất khó phát triển. ND ta có truyền thống đùm bọc, hỗ trợ nhau lúc khó khăn rất tốt, nhưng khi kha khá rồi thì liên kết với nhau rất khó, đây là nghịch lý.
Theo Chủ tịch, xu thế hội nhập quốc tế tác động thế nào đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân?
Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Quốc Cường
  Từ 5 cái mới tôi vừa nói sẽ dẫn đến 1 cái mới khác đó là thu nhập mới. “Người ND có giàu thì mới bảo vệ, duy trì được thành quả xây dựng NTM. Không thể có NTM khi ND chưa giàu, thậm chí còn nghèo. Nhà nước có đắp vào bao nhiêu mà ND nghèo thì 3 năm sau NTM trở về “số không.  
- Là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới-WTO, Việt Nam sẽ tiếp tục ký các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với các đối tác, đưa nền kinh tế hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Năm 2015 là năm bản lề trước khi hình thành Cộng đồng kinh tế khu vực ASIAN với một thị trường rộng lớn hơn 600 triệu dân.
Rồi sắp tới, khả năng ký kết thành công Hiệp định đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương-TPP mở ra thị trường với hơn 790 triệu dân. Nông nghiệp sẽ là lĩnh vực chịu nhiều tác động mạnh mẽ của các hiệp định, trong đó nhiều ngành, hàng ở vào thế yếu, kém cạnh tranh như chăn nuôi. Cơ hội sẽ đi liền với thách thức. Với nhiều nước ASEAN như Thái Lan, Malaysia, thậm chí là Myanmar, Việt Nam sẽ ở vào thế cạnh tranh- cạnh tranh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Còn với một số nước trong Hiệp định TPP, Việt Nam sẽ ở vào thế cạnh tranh-bổ sung. Nếu Hiệp định TPP được ký kết, dự kiến sẽ có một làn sóng đầu tư của Nhật Bản và một số nước tiên tiến vào lĩnh vực nông nghiệp. Đó là cơ hội, nhưng nếu người ND không được chuẩn bị về mọi mặt, nhất là kiến thức khoa học kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, chất lượng và chủng loại nông sản, thông tin thị trường thì khó thành công.
Để giải quyết những khó khăn, yếu kém vừa nêu, Chính phủ đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu nông nghiệp. Vậy Hội NDVN sẽ tham gia như thế nào vào thực hiện quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, thưa Chủ tịch?
- Nền kinh tế Việt Nam đang vận động những bước đi ban đầu của quá trình tái cơ cấu. Tái cơ cấu nông nghiệp đang được triển khai những bước đầu tiên. Thực trạng chung hiện nay là đa số các địa phương còn lúng túng trong việc triển khai thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp.
Tái cơ cấu nông nghiệp không phải là công việc của một mình cấp ủy, chính quyền mà tái cơ cấu nông nghiệp không thể thiếu ND và Hội ND không thể đứng ngoài cuộc. Chính vì vậy, tại Hội nghị BCH T.Ư Hội NDVN lần thứ 5, khóa VI vừa qua, Hội NDVN đã quán triệt 10 nội dung để Hội ND tham mưu với cấp ủy, chính quyền; phục vụ công tác chỉ đạo và tuyên truyền đến cán bộ, hội viên, ND. Dựa trên cơ sở thực tiễn đặc thù của địa phương để Hội ND áp dụng, xây dựng kế hoạch hành động…
Xin cảm ơn Chủ tịch!
sâm dây kon tum
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Công theo Báo Danviet.vn

Nguồn phát: samtuoingoclinh.com

 Từ khóa: sâm dây kon tum

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tuyên bố trách nhiệm: Thông tin trên samtuoingoclinh.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên samtuoingoclinh.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây