Theo báo cáo Thương mại điện tử 2014 vừa được Bộ Công Thương công bố, tại Hàn Quốc, mặc dù là một nước công nghiệp nhưng các sản phẩm nông nghiệp lại là một trong những mặt hàng được mua sắm trực tuyến nhiều nhất. Trong khi đó, tại Việt Nam, tuy thương mại điện tử (TMĐT) luôn có tốc độ phát triển nhanh và bản thân lại là nước nông nghiệp nhưng tỷ lệ hàng hóa dạng này được buôn bán qua hình thức trực tuyến lại vô cùng hạn chế.
Cũng theo báo cáo trên, các sản phẩm nông nghiệp được quy ra thực phẩm chỉ chiếm một phần ít ỏi trong con số tổng 18% mà nghành hàng thực phẩm có được ở thị trường TMĐT Việt Nam 2014. Tỷ lệ này thua xa các mặt hàng như đồ công nghệ và điện tử (60%), thời trang, mỹ phẩm (60%), đồ gia dụng (34%) ... các lĩnh vực đều không vượt trội hơn so với nông nghiệp. Trong khi đó những mặt hàng khác như giống cây trồng, phân bón ... lại quá ít đến mức không được liệt kê.
Thực tế, ngay từ khâu ban đầu là tiếp cận với các website TMĐT chuyên dành cho các sản phẩm nông nghiệp là rất ít ỏi khi số lượng chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay và hầu hết là những địa chỉ đã rất quen thuộc, xuất hiện từ nhiều năm qua như nongdan.com.vn, agritrade.com.vn, sannongnghiep.net .... Trong khi đó, trên các website TMĐT lớn như Enbac.com, Vatgia.com ... người dùng phải qua khá nhiều bước truy cập mới có thể tìm tới các mặt hàng nông nghiệp cùng lượng thông tin vô cùng hạn chế.
Nếu chỉ tính riêng trong các website TMĐT chuyên dành cho lĩnh vực nông nghiệp có thể nhận thấy hầu hết đều không được chăm chút nội dung, số lượng mặt hàng bày bán ít, thông tin sản phẩm không đa dạng ... Thậm chí không thiếu những địa chỉ dù đã qua 1-2 tháng liền nhưng vẫn không hề có nội dung mới được cập nhật. Mặc dù trong lĩnh vực TMĐT, đây đều là những yếu tố chính quyết định đến thành công của một website bán hàng trực tuyến.
Đánh giá về các website TMĐT dành cho sản phẩm nông nghiệp, ông Nguyễn Đức Ninh-Giám đốc Nhanong24h.com, một trong những địa chỉ trực tuyến hàng đầu của lĩnh vực này cho biết việc phát triển TMĐT cho các mặt hàng nông nghiệp tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn sơ khai.
Ông Ninh cho rằng, các website hầu hết chỉ có tương tác một chiều với người nông dân, có nghĩa đơn thuần chỉ là nơi nhà nông lên đó để tìm mua sản phẩm chứ chưa có tương tác trở lại giữa các người mua với nhau hay giữa người mua và website rao bán. Ngoài ra, phần lớn người nông dân làm ra sản phẩm lại không phải là người rao bán mà họ thường nhờ người quen làm hộ, vì vậy mô hình phát triển TMĐT trong nông nghiệp càng diễn ra chậm hơn.
Ngoài ra, người tham gia giao dịch trên website này vẫn phần lớn đều dùng phương thức thanh toán bằng tiền mặt trực tiếp hoặc qua tài khoản ngân hàng chứ chưa thực sự sẵn sàng với các giao dịch thanh toán trực tuyến. Điều này hạn chế khá nhiều những tiện lợi mà TMĐT có thể mang lại cho người mua và bán trên môi trường trực tuyến, ông Ninh lý giải thêm.
Về số lượng giao dịch, mua bán sản phẩm nông nghiệp qua các website cũng không thực cao. Điển hình là ở tại Nhanong24h.com, theo tham khảo mặc dù đã có uy tín hoạt động được 2 năm nhưng lượng hàng hóa được buôn bán chỉ thường tập trung mạnh vào dịp trước tết âm lịch và đầu năm với hơn 10 đơn hàng mỗi ngày đã được tính là nhiều.
Để mô hình TMĐT dành cho nông nghiệp được phát triển, ông Ninh cho rằng, các website cần tập trung hơn vào tương tác giữa người bán với nhau và giữa website giữa người bán. Điều này có nghĩa rằng website không chỉ là nơi bày bán sản phẩm mà đó còn là chỗ để người nông dân tiếp cận các kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm mới cho những người khác. Đồng thời đó cũng phải là kênh tin cậy người nông dân có thể tham khảo giá sản phẩm cùng loại ở các địa phương khác đang là bao nhiêu, qua đó tránh được tình trạng bị thương nhân ép giá khi giao dịch.
Ngoài ra, các website cũng nên đưa ra mô hình tư vấn nông nghiệp cho người rao bán sản phẩm, mặc dù những thông tin dạng này có thể tìm thấy nhiều trên mạng nhưng không đồng nghĩa với việc chúng đều chính xác. Chính vì vậy việc các website hợp tác cùng đội ngũ chuyên gia để đưa ra các lời khuyên hữu ích sẽ khiến người nông dân càng thêm tin tưởng vào những địa chỉ trực tuyến này, ông Ninh gợi ý.
Cũng theo ông Ninh, để lĩnh vực TMĐT trong nông nghiệp phát triển đúng tầm với một nước mạnh về nông nghiệp như Việt Nam, bên cạnh sự cố gắng của phía các doanh nghiệp công nghệ thông tin, cũng mong rằng phía cơ quan quản lý cần có các chính sách, ưu đãi nhằm đưa những ứng dụng tiện lợi mà công nghệ có thể mang lại đến với người nông dân.