Diện kiến làng sợ... “ma”

Thứ tư - 04/11/2015 10:13
Ở xã Đắk Long, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum có một khu rừng mà khi nhắc đến, dân bản địa đều sợ hãi, không dám lên tiếng. Đó là nơi an táng người chết của tộc người Giẻ Triêng. Tuy nhiên, đến nay, câu hỏi vì sao người dân lại chọn cách “treo quan tài” thay vì chôn cất vẫn là một ẩn số. Với mong muốn làm sáng tỏ vấn đề dưới góc độ khoa học, phóng viên GĐ&XH đã vào cuộc tìm hiểu sự việc...
Ông A B’lã, người đưa chúng tôi khám phá khu rừng cấm. Ảnh: P.B
Ông A B’lã, người đưa chúng tôi khám phá khu rừng cấm. Ảnh: P.B
Khi chúng tôi ngỏ ý tìm hiểu về khu rừng cấm, nơi người Giẻ Triêng ở làng Vai Trang an táng người chết, ông A B’lã hốt hoảng: “Không được đâu nhà báo ơi. Ngày trước tôi đưa cán bộ vào đấy, về bị con ma nó bắt vạ đòi thế mạng. Sau trận ốm liệt giường, tôi phải thịt trâu bò, rồi mời thầy về cúng tạ tội mới thoát chết đấy”(?!).
 
Hoảng sợ khi được hỏi về rừng cấm
 
Chúng tôi đến làng Vai Trang, xã Đắk Long, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum khi mặt trời đã bắt đầu ngả bóng về chiều. Ánh nắng cao nguyên óng ánh như rót mật qua những ngọn núi cao vời vợi.
 
Trên con đường chạy dọc hai bên làng, lác đác vài người phụ nữ Giẻ Triêng gùi củi từ rẫy trở về nhà chuẩn bị cho bữa cơm tối, bóng họ liêu xiêu in xuống nền đường lổn nhổn đá. Bên khe cửa, những đứa trẻ lấm lem bùn đất nhìn những vị khách lạ không chớp mắt. Thỉnh thoảng, có vài em sợ sệt, chạy trốn vào trong nhà rồi lấm lét nhìn qua cửa sổ. Một khung cảnh yên ả, đầy vẻ hoang sơ ở vùng đất cao nguyên trung phần này.
 
Chúng tôi hỏi đường đến nhà già làng A Ráp nhưng ông đi vắng. Một người hàng xóm tên A H’rai ngồi chẻ củi gần đấy... Sau vài ba câu chuyện xã giao, anh A H’rai cho biết, già làng hình như đi thăm con cháu ở xã bên, chắc phải vài hôm nữa mới về. “Thế nhà báo lên đây gặp già làng có việc gì vậy? Tốt nhất là cứ lên gặp cán bộ trên UBND xã ấy. À mà hôm nay là ngày nghỉ, cán bộ xã không làm việc đâu”, A H’rai cởi mở.
 
Khi cất lời hỏi A H’rai về khu rừng mà người Giẻ Triêng sau khi có đồng tộc chết đi, thường đưa đến để táng, thì A H’rai tỏ vẻ sợ sệt, bỏ cả ôm củi xuống đất: “Ơ, cái đấy mình không biết. Ở đây không có khu rừng nào như thế đâu. Đừng hỏi cái đấy”. Nói rồi, A H’rai bước vội vào nhà, không tiếp chuyện chúng tôi nữa.
 
Thấy kì lạ, chúng tôi lân la sang một vài nhà khác nhưng tất cả đều chung câu trả lời với nội dung: Ở đây chẳng có khu rừng nào mà người Giẻ Triêng an táng người chết cả. “Có thể chúng ta đã đến nhầm địa chỉ”, anh bạn tài xế đi cùng thắc mắc và tỏ vẻ ngờ vực với thông tin trước đấy.
 
Truyền thuyết… sợ ma
diện kiến làng sợ ma
Khu “rừng ma”, nơi bất khả xâm phạm của người Giẻ Triêng ở Vai Trang.
Khi chúng tôi đang ở thế “đi cũng dở mà ở không xong” thì gặp một chiến sĩ Đồn Biên phòng 673 đang trên đường về doanh trại. Khi nghe câu chuyện mà chúng tôi  trình bày, anh ngạc nhiên: “Ôi, lên trên này mà nhà báo hỏi khu “nghĩa địa treo”, hoặc khu táng của người bản địa thì không ai nói đâu. Người dân họ sợ khi nhắc đến khu rừng đó lắm. Tốt nhất, các anh hỏi đến nhà ông A B’lã nhưng cũng phải khéo léo”. Qua lời của người chiến sĩ Biên phòng, chúng tôi mới sực nghĩ, thì ra những người vừa hỏi không phải là không biết, mà họ không dám nói.
 
Tìm đến nhà ông A B’lã, may mắn là ông đang chuẩn bị vào bữa cơm tối. Sau vài ba câu giới thiệu, khi biết chúng tôi ngỏ ý vào tìm hiểu khu rừng cấm thì A B’lã ngồi bật dậy, hoảng hốt: “Không được đâu nhà báo ơi. Đưa nhà báo vào đó về mình phải giết trâu, giết lợn để cúng “con ma rừng” đấy. Mà nhà mình không còn nhiều trâu, nhiều bò nữa đâu”. Dứt câu nói, ông A B’lã tỏ ra không mặn mà với câu chuyện mà chúng tôi đang rất muốn tìm hiểu nữa.
 
Lái sang nội dung khác, kể về truyền thuyết vì sao người Giẻ Triêng ai cũng sợ ma, ông A B’lã chầm chậm: “Theo lời của các già làng, trước đây, có hai anh em người Giẻ Triêng khi mới sinh ra đã rất tuấn tú, thông minh. Trong buôn làng, ai cũng quý mến hai anh em nhưng cuộc đời lại bất hạnh khi cha mẹ họ bị bệnh tật rồi lần lượt qua đời từ rất sớm. Để có cái ăn sống qua ngày, hai anh em phải đi làm thuê, làm mướn cho những người giàu trong buôn làng. Khi bước lên 15, 16 với tính thông minh, hai anh em đã học hỏi được bí quyết làm giàu của những ông chủ mà mình đang làm thuê. Khi đã đủ trưởng thành, hai anh em xin lên núi dựng ngôi nhà lá, rồi quần quật làm ngày, làm đêm chỉ mong có thật nhiều ngô, nhiều thóc. Sau một thời gian mà không giàu được, người anh trai tạm biệt em rồi sang bên đất Ai Lao (Lào ngày nay) buôn bán, còn người em vẫn ở lại chăm chỉ làm ăn. Chẳng mấy chốc, hai anh em đều trở nên giàu có, tiếng tăm lừng lẫy khắp vùng, khiến ai nghe đến cũng nể phục. Tuy nhiên, người anh vì sự ganh ghét đố kỵ đã gọi những người giàu có ở làng của người em sang ở cùng. Thế nhưng, chẳng bao lâu, làng của người anh bị một bộ tộc hung dữ ập tới cướp bóc, giết sạch không còn một ai. Những người nghèo đi theo người em tìm đến một con suối có nhiều lau lách thì dừng lại lập nên làng Vai Trang ngày nay...”.
 
Trong câu chuyện chắp nối không thực sự trôi chảy mà ông A B’lã kể, có thể hình dung về truyền thuyết này rằng, sau khi bị giết chết, người anh vì sự ganh ghét nên vẫn quay về làng để tìm mọi cách bắt vạ người em vào rừng. Không chỉ có vậy, những ai thân thiết với người em cũng bị “con ma” người anh quay về hãm hại. Đó là nguyên nhân khiến cho người dân hiện nay sợ hãi con “ma rừng” đến như thế.
 
Chỉ sợ con ma bắt đền tội
 
Đêm Vai Trang trầm mặc, đâu đó những tiếng chó sủa râm ran, tiếng chim muông xao xác gọi bầy, càng khiến cho đêm vùng biên viễn thêm hoang hoải. Đảo một vòng xung quanh nhà của A B’lã, điều dễ nhận thấy là cuộc sống hôm nay đã in vào làng Vai Trang những dấu ấn văn minh. Thế nhưng, trong tiềm thức của người Giẻ Triêng nơi đây, dường như khu “rừng ma” và thế giới người chết vẫn rất linh thiêng, kỳ bí. Họ sợ hãi khi nhắc đến “con ma” và không bao giờ dám bước vào những khu rừng táng người chết này.
 
Trong bữa cơm, những chén rượu nồng mà vợ ông A B’lã nấu cứ cạn dần. Chốc chốc, ông lại hỏi chúng tôi những câu chuyện về đời sống ở nơi phố thị như thế nào? Khác với người Giẻ Triêng của ông ra làm sao... Càng nói chuyện, càng nhận thấy cái nhiệt thành của người Giẻ Triêng hôm nào trong con người A B’lã hôm nay bỗng biến mất. Như có một điều gì đó đang ngăn cản, cuộc nói chuyện của chúng tôi về khu rừng cấm đều bị ông A B’lã cố lái sang hướng khác.
 
Tuy nhiên, khi nhiều hơn những chén rượu vơi đi, ông A B’lã mới “đủ bản lĩnh” nói về những cỗ quan tài treo trong khu nghĩa địa của làng Vai Trang. Ông A B’lã kể, cách đây vài năm, khi cùng mấy đoàn cán bộ vào khu “rừng ma” để khảo sát, tìm hiểu về phong tục táng treo của người Giẻ Triêng xưa thì vài tháng sau, ông A B’lã bị đổ bệnh.
 
Với người Giẻ Triêng trên vùng đất này, cứ bị ốm, bị bệnh là “đổ lỗi” cho… con ma. “Trước khi đi, mình đã sợ bị con ma ám hại rồi. Nhưng vì nể quá nên vẫn đưa đoàn cán bộ vào tận khu rừng. Sau bị ốm, mình phải mổ bò, mời thầy tới nhà để cúng con ma đó. Cúng đến con bò thứ hai thì con ma tha cho mình và không bắt mình phải chết”, ông A B’lã kể lại câu chuyện mấy năm về trước.
 
Khi nghe chúng tôi đặt vấn đề nhờ dẫn vào khu táng treo của làng Vai Trang, A B’lã liền thoái thác ngay: “Mình sợ lắm, không dám đi nữa đâu. Giờ mình hết trâu, hết bò để cúng rồi. Nếu ra đó (khu táng) không có bò cúng cho con ma là nó sẽ bắt mình đi theo mất thôi”.
 
Tuy nhiên, khi chúng tôi gửi ông một món quà quý từ vùng xuôi làm kỉ niệm thì ông lại… xuôi lòng. “Nhưng phải tầm trưa mình mới đưa đi được. Chứ từ chiều tối đến sáng sớm, vào đó rất dễ bị con ma bắt. Khu rừng cấm đó cả làng Vai Trang này ai cũng sợ hãi đấy, ngay cả những người lớn tuổi, là già làng, trưởng thôn nếu không có việc cần thì chả ai dám vào đó bao giờ”, ông A B’lã kể.
 
Sau những câu chuyện đậm chất ma mị của ông già Giẻ Triêng, chúng tôi chìm sâu vào giấc ngủ. Khi thức dậy, mặt trời đã đứng bóng. Và như đã hứa, ông A B’lã chuẩn bị một con dao sắc nhọn và đưa chúng tôi bắt đầu hành trình chinh phục “khu rừng ma” – nơi người Giẻ Triêng ở làng Vai Trang bao đời kính sợ - nơi chứa nhiều điều huyền bí và kì dị nhất của mảnh đất miền biên viễn này.    

Tác giả bài viết: (Còn nữa) Phùng Bình/Báo Gia đình & Xã hội

Nguồn phát: samtuoingoclinh.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tuyên bố trách nhiệm: Thông tin trên samtuoingoclinh.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên samtuoingoclinh.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Xách ba lô lên tới Măng Đen Kon Tum,

    Xách ba lô lên tới Măng Đen Kon Tum, "Đà...

    Đến với Kon Tum, đến với Măng Đen, bạn được đến một cao nguyên đầy nắng và gió, nhưng Măng Đen cho bạn một cái gì đó nó rất khác, đối với riêng tôi, mỗi khi đến Măng Đen là một cảm giác gì đó tươi...

  • Tham quan bản làng của các dân tộc ở Kon...

    Tham quan bản làng của các dân tộc ở Kon...

    Tìm hiểu, chúng tôi biết thêm, nghề dệt thổ cẩm ở đây được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác; người lớn truyền dạy cho lớp trẻ; cụ thể là phụ nữ/ con gái nhưng đơn lẻ chưa tập hợp thành tổ hợp...

  • Kon Tum: Chiêm ngưỡng chiếc cầu treo...

    Kon Tum: Chiêm ngưỡng chiếc cầu treo...

    Cầu treo Kon Klor đã trở thành niềm tự hào của người dân Kon Tum và là điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi ghé thăm mảnh đất này.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây