Lao động có độ tuổi từ 60-65 tuổi là lực lượng chủ yếu của nền nông nghiệp Nhật. Trên các cánh đồng, dễ dàng nhận thấy phần lớn nhân công sản xuất đều là người cao tuổi. Chỉ 3% dân số Nhật làm nông nghiệp, nhưng cung cấp đủ thực phẩm chất lượng cao cho hơn 127 triệu dân. PV đã trao đổi với ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc Ðiều hành Cấp cao Công ty Recof (Nhật) chuyên tư vấn M&A, để tìm hiểu bí quyết quản lý nông nghiệp ở nước này.
Nền nông nghiệp Nhật từng có khởi đầu ra sao?
- Rất giống với Việt Nam. Trước khi trở thành một trong những nước công nghiệp hàng đầu thế giới, Nhật cũng là một nước nông nghiệp với tỉ lệ nông dân trên tổng dân số tương đương với Việt Nam. Từng có tới 80% dân số Nhật làm nghề nông và lúa là nông sản chính.
Về sau, nhu cầu lớn về lao động tại các trung tâm công nghiệp đô thị khiến nhiều người rời bỏ nông thôn. Lực lượng lao động ngành nông chủ yếu chỉ còn là những người già. Do vậy, nông nghiệp Nhật không thể thành công nếu không có sự phổ biến của máy móc, hóa chất và những thiết bị giúp tiết kiệm lao động. Hiện tại, việc canh tác hầu như được làm bằng máy. Nhật hiện có rất nhiều trung tâm nghiên cứu nông nghiệp đẹp, sạch như công viên. Bên trong là hàng loạt nhà kính trồng nhiều giống cây mới lai tạo bằng công nghệ gen.
Những năm gần đây, việc đào tạo nguồn nhân lực trẻ kế cận và phát triển công nghệ lai tạo giống, cải tạo đất đang được Nhật đẩy mạnh. Đây được xem là giải pháp để phát triển nông nghiệp trong tương lai
Ở nông thôn Nhật, việc quản lý các nông hộ sản xuất nông sản được thực hiện như thế nào?
- Mô hình hợp tác xã nông nghiệp Nhật có đặc trưng là khả năng thực hiện đa nhiệm vụ. Một hợp tác xã cấp địa phương có thể kinh doanh hàng loạt các dịch vụ kinh tế xã hội như cung cấp nguyên liệu đầu vào, tổ chức thị trường đầu ra, cho vay tín dụng, cung cấp dịch vụ bảo hiểm, phân phối hàng tiêu dùng, cung cấp dịch vụ y tế, đi lại, nhà ở và thậm chí là một trung tâm cộng đồng cho các hoạt động văn hóa. Ảnh hưởng của hợp tác xã nông nghiệp bao trùm lên toàn bộ cuộc sống sinh hoạt thường ngày của nông dân Nhật. Trải qua nhiều lần thay đổi cấu trúc hoạt động, nhưng mô hình này vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng cộng đồng và thúc đẩy sự gắn kết ở nông thôn.
Không chỉ vậy, hợp tác xã nông nghiệp Nhật còn là đầu mối áp dụng khoa học kỹ thuật. Ðây là địa chỉ để người nông dân có thể chia sẻ các thiết bị công nghệ nông nghiệp hiện đại và đắt tiền. Với chính sách mỗi vùng một sản phẩm, toàn bộ khu vực sản xuất đều được giám sát bằng camera và các thiết bị cảm ứng. Để làm được điều này, người nông dân Nhật phải có trình độ nhất định và tinh thần hợp tác cao.
Từ khi hợp tác xã là đơn vị công lập, Chính phủ Nhật đã chú trọng phát triển dịch vụ tư vấn nông nghiệp. Ðó không chỉ là tư vấn, đào tạo về cách ứng dụng khoa học công nghệ, mà còn kết hợp tư vấn về chi tiêu, tài chính, tiềm năng của từng giống cây trồng... Đến nay, toàn bộ nông dân Nhật có thể tự cập nhật và chia sẻ các thông tin về giá cả thị trường, cổ phiếu nông nghiệp, thời tiết, khoa học kỹ thuật thông qua nền tảng trực tuyến.
Các liên minh hợp tác xã quốc gia còn có sức mạnh tương đương với những tập đoàn kinh tế lớn của Nhật. Chính nhờ tầm ảnh hưởng kinh tế của các liên minh hợp tác xã mà nông dân Nhật còn có tiếng nói chính trị mạnh mẽ.
Liên minh hợp tác xã này có sức ảnh hưởng đến quá trình đàm phán TPP của Nhật hay không?
- Hợp tác xã Nhật đã trở thành một hệ thống độc quyền, kiểm soát toàn bộ nền nông nghiệp. Hiện tổ chức này có gần 10 triệu thành viên và đã trở thành tổ chức chính trị xã hội, bảo vệ quyền lợi của đa số nông dân Nhật. Chẳng hạn, liên minh hợp tác xã có thể gây áp lực, phản đối việc Nhật tham gia vào TPP. Lý do bởi nông nghiệp của chúng tôi có thể chịu sự cạnh tranh rất lớn từ sản phẩm nông nghiệp của các nước thành viên TPP, trong đó Việt Nam.
Nhật cũng đang chuyển đổi các hợp tác xã nông nghiệp sang mô hình công ty để có đủ cơ sở pháp lý cho việc tham gia hội nhập trong lĩnh vực nông nghiệp.
Cạnh tranh là một mặt của câu chuyện. Còn quan điểm của ông về cơ hội hợp tác đầu tư ngành nông nghiệp giữa Việt Nam và Nhật cụ thể ra sao?
- Tôi tin là sẽ có nhiều tín hiệu khả quan. Trong đợt thăm và làm việc gần đây nhất, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát bày tỏ mong muốn hai nước sẽ nhanh chóng tổ chức cuộc đối thoại hợp tác nông nghiệp nhằm thúc đẩy hợp tác. Chủ yếu hướng tới sự phát triển toàn diện ngành nông lâm ngư nghiệp Việt Nam, bao gồm đào tạo nguồn nhân lực và chuyển giao công nghệ.
Một điều đáng mừng khác là rất nhiều địa phương ở Nhật đã chia sẻ tình cảm và tin cậy, sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực nông nghiệp theo cấp độ giữa địa phương với nhau.
Là chuyên gia tư vấn đầu tư M&A trong nông nghiệp, ông có bài học kinh nghiệm nào dành cho sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam?
- Tiềm năng ngành nông nghiệp Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên các bạn thiếu kinh nghiệm quản lý cũng như phương thức sản xuất kinh doanh. Tỉ lệ áp dụng khoa học kỹ thuật cũng còn thấp. Vì thế, hợp tác chuyển giao công nghệ với các nước có nền nông nghiệp phát triển để đẩy mạnh phát triển sản phẩm chất lượng cao là giải pháp tối ưu cho nền nông nghiệp Việt Nam. Thổ nhưỡng khá tương đồng nên sẽ thuận lợi cho việc hơp tác chuyển giao công nghệ.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần phát triển công nghệ chế biến sau thu hoạch để đảm bảo chất lượng và giá trị của sản phẩm nông nghiệp.