Haruyasu Miyabe từng là nhân viên giám sát một dây chuyền sản xuất chip tại tập đoàn điện tử Fujitsu. Bất ngờ vào một ngày năm 2013, quản đốc của nhà máy này nói với Miyabe rằng hãy sẵn sàng chuyển sang một công việc hoàn toàn mới.
“Bắt đầu từ ngày mai, anh sẽ đi trồng rau diếp”, Miyabe vẫn nhớ chính xác những gì được nói ngày hôm đó.
Trong suốt khoảng thời gian gặp khó khăn của ngành công nghiệp điện tử Nhật Bản nói chung, Fujitsu đã phải đóng cửa 1 trong 3 dây chuyền sản xuất chip vào năm 2009. Hiện tại, trong căn phòng vô trùng và sạch sẽ tuyệt đối từng là nơi sản xuất ra những thiết bị công nghệ cao hàng đầu, Miyabe cùng 30 nhân viên khác đang chăm sóc những cây rau diếp.
Miyabe nói rằng: “Tôi cảm thấy mình gắn bó với quá trình lớn lên của cây. Điều này thật thú vị”.
Trên thực tế Miyabe và Fujitsu không phải là những người duy nhất đi tiên phong trong quá trình thay đổi này. Do gặp phải cạnh tranh gay gắt với những đối thủ tới từ Hàn Quốc và Trung Quốc trong các lĩnh vực kinh doanh như ti vi và điện thoại thông minh – hàng loạt gã khổng lồ công nghệ Nhật Bản đang chuyển đổi các nhà máy đã ngừng hoạt động của họ sang sản xuất nông nghiệp.
Năm 2014, Fujitsu bắt đầu bán rau diếp sạch được trồng từ nhà máy Aizu-Wakamatsu. Cùng thời điểm, Toshiba tuyên bố họ cũng bắt đầu trồng rau bên trong nhà máy sản xuất đĩa mềm gần Tokyo vốn đã không được sử dụng trong suốt 2 thập kỷ trước đó.
Đến cuối năm 2014, Panasonic chính thức triển khai công nghệ nhà kính để trồng rau chân vịt và những loại khác.
Cuối cùng là Sharp - công ty này đã chính thức mở phòng thí nghiệm trồng dâu tây trong nhà tại Dubai sử dụng công nghệ chiếu sáng và lọc không khí của mình.
Bản thân Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe luôn khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng này. Ngoài mong muốn mang lại thay đổi cho các hãng điện tử đang gặp khó khăn, ông Abe cũng muốn tái cấu trúc nền nông nghiệp của nước nhà vốn lâu nay được thực hiện chủ yếu bởi những hộ nông dân trồng cấy trên các thửa ruộng, khu đất nhỏ.
Hệ quả là giá thực phẩm ở mức rất cao. Chính vì vậy, nếu những công ty lớn kể trên tấn công vào lĩnh vực nông nghiệp, ông Abe khẳng định giá thực phẩm sẽ giảm.
Fujitsu ban đầu tài trợ cho dự án Aizu-Wakamatsu tại Fukushima – một dự án giúp khu vực Fukushima tái thiết sau thảm hoạ động đất sóng thần vào năm 2011. Fukushima là một trong những khu vực nông nghiệp lớn nhất tại Nhật Bản. Dự án này nằm cách 60 dặm từ nhà máy hạt nhân đã bị phá hủy sau thảm họa.
Kể từ năm 2014, chính phủ Nhật Bản cũng đã mở rộng các khoản trợ cấp cho lĩnh vực nông nghiệp tiên tiến. Chính nhờ vậy, số lượng các nhà máy sử dụng phương pháp công nghệ cao để trồng rau như của Fujitsu kể trên đã tăng gấp 4 lần trong 3 năm qua lên tới hơn 380 nhà máy.
Tại nhà máy của Fujitsu – các công nhân mặc áo phòng thí nghiệm và đeo mặt nạ để đảm bảo môi trường vô trùng trong khu vực trồng rau. Ngoài ra thay vì đất, các loại rau tại đây sẽ lớn lên nhờ nước tưới theo công nghệ nhỏ giọt mang theo các chất dinh dưỡng.
Trồng rau theo cách này giúp giảm lượng kali – rất phù hợp với thực tế ngày càng nhiều người Nhật lớn tuổi mắc bệnh thận tại Nhật Bản.
Cũng bởi được trồng trong môi trường vô trùng tuyệt đối nên nó có thể giữ được lâu hơn so với những sản phẩm thông thường lên tới 2 tháng nếu được làm lạnh.
“Vì tươi rất lâu nên loại rau này có lợi thế cạnh tranh rất tốt khi mang đi xuất khẩu”, theo Akihiko Sato – quản lý nhà máy nói.
Dĩ nhiên giá của loại rau trồng công nghệ cao này không hề rẻ. Tại một siêu thị gần Tokyo – một túi rau nhỏ của Fujitsu được bán với giá 3 USD tức là hơn 1 USD so với túi rau thông thường.
Toshiba nói rằng họ cần tăng sản lượng để có thể tạo ra lợi nhuận trong lĩnh vực này. Công ty hiện nhắm tới việc phát triển 3 triệu cây rau diếp mỗi năm và doanh số bán hàng đạt mức 2,9 triệu USD tính đến năm tài chính 2015.
Họ cũng lên kế hoạch mở rộng mảng kinh doanh này sang những khu vực khác tại châu Á và Trung Đông – nơi có khí hậu khắc nghiệt và nguồn nước nghèo nàn gây khó khăn trong việc trồng rau.
Sản phẩm rau của Toshiba:
Fujitsu thì khởi đầu khiêm tốn với năng suất 3.500 cây rau diếp mỗi ngày. Họ dự định thu về 4 triệu USD tính tới năm tài chính 2016 – tăng từ mức 1,5 triệu USD trong năm 2014.
Dẫu có nhiều ưu điểm như vậy nhưng không phải ai cũng bị thuyết phục rằng nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi đúng đắn trong tương lai.
Yukihiro Kato – một nông dân tại tỉnh Yokohama – người bán hàng loạt các sản phẩm nông nghiệp tại chợ địa phương nói rằng nhu cầu rau hữu cơ đang tăng.
“Nếu nói về kiểm soát chất lượng, các công ty lớn có thể có một vài lợi thế. Tuy nhiên nếu nói về dinh dưỡng, chúng tôi lại có lợi thế lớn hơn”, anh nói.
Panasonic đang cố gắng tìm ra cách kết hợp hài hoà giữa công nghệ cao và các nông trại truyền thống. Trong các nhà kính thông minh, nông dân sẽ chuẩn bị đất và giống cây theo cách thông thường.
Tuy nhiên trong quá trình cây phát triển có sử dụng bộ cảm biến nhiệt độ và độ ẩm. Nếu quá nóng, hệ thống của Panasonic sẽ tự động đóng rèm cửa để ngăn ánh sáng mặt trời và mở cửa sổ để lưu thông gió hoặc ngược lại khi trời quá lạnh.
Với Takayoshi Tanizawa – một nhân viên Panasonic 40 tuổi thì bước ngoặt trong sự nghiệp của ông tới vào 3 năm trước khi quyết định chuyển từ làm ghế massage sang trồng rau chân vịt.
Sự thay đổi này thực chất không quá nghiêm trọng như mọi người nghĩ và có một vài điểm chung. Trong khi một chiếc ghế massage sử dụng động cơ để di chuyển các quả bóng lăn bên trong thì nhà kính sử dụng động cơ để điều chỉnh rèm ngăn ánh sáng mặt trời.
Thay vì bơm không khí vào 1 chiếc túi để massage chân thì nhà kính được sử dụng các máy bơm nước để tưới rau chân vịt.
Ngoài ra, ông Takayoshi cũng tìm được niềm an ủi khác bởi khách hàng không quá kỹ tính với các loại rau. “Khi thử ghế massage, có người sẽ cảm thấy nó tốt trong khi một số khác lại nghĩ ngược lại. Trong khi đó, với các loại rau thì không như vậy”.