Nghệ: có hai loại là nghệ đen và nghệ vàng. Cả hai đều có tác dụng tốt đối với bệnh lý đường tiêu hóa, nhưng mỗi loại có những lợi ích khác nhau.
Nghệ vàng (tên gọi khoa học Curcuma longa L.) được sử dụng nhiều trong chế biến thực phẩm, y học hay phẩm nhuộm. Trong thành phần hóa học của củ nghệ vàng có hợp chất rất quan trọng là curcumin, có tác dụng kích thích sự bài tiết và bảo vệ tế bào gan. Curcumin gây co bóp túi mật và hiệu quả trong việc làm giảm cholesterol máu. Dùng có lợi trong các trường hợp viêm gan, vàng da. Theo Đông y, phần thân rễ của cây nghệ vàng gọi là khương hoàng, có tính ấm, vị đắng, cay, tác dụng phá huyết tích, tiêu thực, lợi mật, khi dùng với mật ong có tác dụng điều trị rất tốt với người bị viêm loét dạ dày, giúp giảm đau, tiêu hóa tốt, giảm ợ chua và góp phần làm lành vết thương ở dạ dày. Ngoài ra, phần rễ của cây nghệ vàng còn được gọi là uất kim, có vị cay, đắng, tính hàn, tác dụng hành khí giải uất, trong thành phần hóa học có các chất giúp kích thích bài tiết dịch mật, có lợi trong các bệnh viêm gan, viêm túi mật, sỏi mật.
Nghệ đen (có tên gọi khoa học là Curcuma zedoaria Rosc.) còn được gọi với những tên khác như nghệ tím, ngải tím. Trong thành phần củ nghệ đen có chứa các tinh dầu như: secquitecpen, zingiberen, xineol. Một số công trình nghiên cứu cho thấy củ nghệ đen có tác dụng tăng cường sự bài tiết mật, kích thích tiêu hóa, tăng trương lực ống tiêu hóa và kháng khuẩn. Trong Đông y, củ nghệ đen được gọi là nga truật, có tính ấm, vị cay, đắng, tác dụng hành khí phá huyết, chỉ thống, tiêu tích, nên dùng rất tốt cho trường hợp ăn uống kém tiêu, đầy bụng, trướng hơi. Xét về tác dụng có lợi cho người bị viêm loét dạ dày thì củ nghệ đen không thay thế được củ nghệ vàng.
Mặc dù lợi ích của nghệ rất nhiều nhưng nhìn chung cả hai loại trên đều có những điều cần lưu ý khi sử dụng:Ngoài các công dụng trên, nghệ còn có tác dụng kích thích cơ tử cung, rất có lợi trong trường hợp đau bụng kinh, tắc kinh sau sinh. Nhưng cần thận trọng cho phụ nữ đang mang thai và những người đang bị rong kinh.
Do có vị cay nên khi sử dụng lâu dài sẽ gây tình trạng đau bụng, khó hấp thu, tiêu chảy và buồn nôn. Để hạn chế tác dụng phụ này, người ta thường dùng dưới dạng bột nghệ và giảm liều hoặc ngưng dùng khi có những biểu hiện này.
Cách pha chế nghệ với mật ong có thể làm đơn giản như sau: lấy 12g bột nghệ (hoặc nghệ tươi đã thái mỏng, sau đó phơi khô, sao dòn và tán mịn) trộn với khoảng 6g mật ong, dùng mỗi ngày cho hiệu quả tốt đối với người bị viêm loét dạ dày. Cũng cần lưu ý, người bệnh nên khám và tư vấn ở bác sĩ chuyên khoa để được điều trị tốt hơn, đặc biệt là trên bệnh nhân viêm loét dạ dày - tá tràng có nhiễm khuẩn Helicobacter pylori.
Gừng: có tên khoa học là Zingiber officinale Rosc. Là loại thực vật được sử dụng phổ biến trong đời sống hàng ngày. Củ gừng thường là gia vị để chế biến các món ăn, có tác dụng làm mềm thịt, thêm hương vị hoặc được dùng để bảo quản thực phẩm. Ngoài ra, gừng còn là một vị thuốc rất hiệu quả có tác dụng giảm đau, kháng viêm và diệt khuẩn.
Trà gừng được sử dụng có thể làm giảm bớt các triệu chứng khó chịu ở dạ dày và làm tăng cảm giác thèm ăn
Trị rối loạn tiêu hóa: gừng làm tăng sản xuất nước bọt và dịch tiêu hóa trong cơ thể. Do đó, gừng và tinh dầu gừng có hiệu quả trong các chứng khó tiêu, đầy bụng, đầy hơi, đau bụng, tiêu chảy. Trà gừng được sử dụng có thể làm giảm bớt các triệu chứng khó chịu ở dạ dày và làm tăng cảm giác thèm ăn. Đồng thời, gừng cũng giúp chống lại các triệu chứng say tàu xe như: buồn nôn, nôn và chóng mặt.
Ngộ độc thực phẩm: gừng có tính sát khuẩn nên có thể có hiệu quả trong ngộ độc thực phẩm, nhiễm khuẩn đường ruột.
Theo y học cổ truyền, gừng có tính ấm, vị cay. Gừng tươi được gọi là Sinh khương, phơi khô gọi là Can khương có tính nóng hơn Sinh khương, hiệu quả trong làm ấm tỳ vị. Đối với bệnh đường tiêu hóa, gừng có tác dụng ôn vị, chỉ ẩu. Khi đau bụng do hàn, bụng đầy trướng, đau bụng không tiêu dùng 1 củ gừng nướng cũng có hiệu quả. Nếu bị tiêu chảy hoặc kiết lỵ, dùng can khương tán nhỏ ăn với cháo nóng. Ngoài ra, có thể dùng 1 lát gừng mỏng đặt lên lỗ rốn, lấy ngải cứu đốt hơ ấm trong khoảng 5 phút, có hiệu quả trong điều trị đau bụng hoặc tiêu chảy do lạnh. Đối với các bài thuốc Đông dược, gừng được dùng như là một thành phần làm hạn chế tính hàn của các vị thuốc khác, cách phối hợp này giúp cho tỳ vị dễ hấp thu thuốc hơn và người bệnh không bị buồn nôn hoặc nôn ra những vị thuốc khó uống.
Cách làm trà gừng:Có nhiều cách thưởng thức và sử dụng gừng để phòng và điều trị bệnh, như: gừng tươi cạo sạch vỏ, thái hạt lựu, cho vào nồi với nước lọc, đậy nắp và đun sôi với lửa vừa trong khoảng 30 phút (gừng ra hết chất cay). Cho thêm vài thìa mật ong vào rồi đun sôi 5 phút nữa thì tắt bếp, để nguội. Cho cả nồi vào hũ, cất và bảo quản trong tủ lạnh dùng dần. Bạn có thể cho một ít nước gừng mật ong này vào uống chung với trà nóng. Hoặc đơn giản hơn là pha chúng với nước sôi uống ngay cũng được.
Lưu ý là gừng có thể gây ra một số phản ứng khi kết hợp với một số loại thuốc khác. Nếu như bạn bị bệnh và đang sử dụng thuốc nào đó, đặc biệt là thuốc đông dược, bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi đưa gừng vào chế độ ăn uống của mình.
Riềng: cũng là loại thực vật, cây thân thảo thuộc họ Gừng, được trồng hoặc mọc hoang ở nhiều nơi trong cả nước. Củ riềng tuy không phải là gia vị thường dùng trong các bữa ăn như gừng hay nghệ, nhưng nó đặc biệt không thể thiếu đối với các “tín đồ” thịt chó, cũng như một số món ăn khác giúp tăng hương vị và khử mùi tanh của thịt, cá. Trong y học, củ riềng đã được chứng minh là chứa hàm lượng lớn flavonol galangin có tác dụng chống lại các quá trình oxy hóa của cơ thể và ngăn cản sự phát triển của tế bào ung thư vú.
Theo Đông y, củ riềng có tên gọi là cao lương khương, có vị cay, tính ôn, tác dụng trừ hàn, ôn trung, chỉ thống. Cũng như gừng và nghệ, củ riềng sử dụng hiệu quả trong các trường hợp đau bụng do hàn, đầy trướng, buồn nôn, tiêu chảy, đau do co thắt dạ dày hoặc đại tràng. Nhìn chung, công dụng của củ riềng có nét tương đồng với gừng, nhưng điểm đặc biệt của nó là hiệu quả tống hơi trong hệ tiêu hóa khá tốt, dùng trong các trường hợp đầy hơi, ợ hơi, khí nghịch.
Một số trường hợp đau răng, nhai một ít riềng có thể giảm đau. Hoặc ngậm để chữa khàn tiếng do viêm thanh quản cũng khá hiệu quả.
Củ dền: hay còn gọi là củ dền đỏ, là một loại thực phẩm chứa nhiều dưỡng chất như: choline, acid folic, canxi, sắt, natri hữu cơ, kali, chất xơ và các vitamin như A, B1, B2, B6, C. Không những là một thức ăn bổ dưỡng, củ dền còn có nhiều tác dụng y học như điều trị hiệu quả trong việc chữa lành độc tính ở gan và các bệnh về gan mật, ví dụ như vàng da, viêm gan, ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy hoặc nôn mửa.
Có thể sử dụng củ dền dưới dạng nước ép uống thường xuyên sẽ giúp giảm được chứng táo bón mạn tính, vì hàm lượng chất xơ có trong củ dền giúp hệ tiêu hóa bài tiết dễ dàng.
Chất choline có trong nước ép không những giúp giải độc gan hiệu quả, mà còn giúp bài độc toàn bộ hệ thống do lạm dụng rượu quá nhiều, nhưng chỉ hiệu quả đối với những người đã cai nghiện rượu. Vắt chanh vào nước ép cũng cho ta một thức uống ngon hơn và làm tăng hiệu quả phòng trị bệnh.
Đối với những bệnh nhân loét dạ dày, pha mật ong với nước ép củ dền, uống vài lần trong tuần khi bụng đói giúp thúc đẩy quá trình lành vết loét.
Ngoài ra, củ dền cũng là loại thực phẩm bổ máu cao, cải thiện giấc ngủ, tốt cho trí nhớ, chống lại ung thư đại tràng và ung thư dạ dày.
Những lưu ý khi sử dụng củ dền:Chọn những củ chắc và vỏ bên ngoài không bị nhăn. Nếu còn lá thì giữ được khoảng 3 - 4 ngày trong tủ lạnh vì phần củ phải cung cấp độ ẩm cho lá. Nhưng nếu củ dền không còn lá thì có thể bảo quản được một vài tuần.
Đừng nên bỏ phần lá vì chúng có thể được chế biến và sử dụng với thành phần giàu chất dinh dưỡng như acid folic, beta-carotene, kali, sắt và vitamin C.
Khi nấu củ dền không nên để lửa quá to vì nhiệt độ làm mất các chất dinh dưỡng thiết yếu. Gọt vỏ trước khi nấu.
Có thể ăn củ dền tươi để tận hưởng hương vị ngon của nó. Củ dền đáy tròn thì ngọt hơn củ dền đáy phẳng.
Tác dụng không mong muốn:Nước củ dền có thể gây hại khi pha với sữa. Đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là dưới 6 tháng tuổi, không nên cho ăn hoặc uống nước củ dền vì có thể gây ngộ độc do nó chứa rất nhiều nitrate. Ở trẻ nhỏ, khả năng chuyển hóa các chất của cơ thể chưa hoàn chỉnh nên sẽ gây ra ngộ độc và có những biểu hiện như khó thở, tím tái, suy hô hấp.
Đối với người bị đái tháo đường nên cân nhắc và theo dõi đường huyết khi sử dụng củ dền vì trong nó có chứa hàm lượng đường cao.
Nước ép củ dền khá mạnh nên sẽ gây ra sự khó chịu hay chóng mặt khi sử dụng lượng nhiều. Nếu mới bắt đầu dùng, người ta thường ép nửa củ uống 1 lần trong tuần, sau đó tăng dần để cơ thể thích nghi. Đồng thời, uống nhiều nước cũng giúp quá trình bài tiết chất độc ra ngoài thuận lợi hơn.