Cây sâm dây dễ trồng, dễ chăm sóc và hiệu quả kinh tế cao, không ít người dân tại Tu Mơ Rông đã tự tìm hiểu cách trồng và làm giàu từ giống cây này. Chị Y H Lạng, Làng Pu Tá, xã Măng Ri là một trong những điển hình đó. Là người địa phương nên ít nhiều chị cũng hiểu biết về tác dụng của cây sâm dây đối với sức khỏe con người nên ngay từ năm 2009 khi người dân ở đây khai thác sâm dây ồ ạt, chị cũng vào rừng đào củ sâm. Củ to chị bán, củ nhỏ chị mang lên rẫy trồng với mục đích vừa để bảo tồn giống cây quý này, vừa gây dựng vườn sâm dây để có thu nhập ổn định lâu dài cho gia đình. Bên cạnh đó, kết hợp sự hỗ trợ về mặt khoa học và nguồn vốn của Sở Khoa học và Công nghệ, gần 5 năm qua, chị đã sở hữu hơn 1ha sâm dây. Kinh tế gia đình ngày càng phát triển từ nguồn bán củ, bán quả giống sâm dây, không những chị xây dựng được ngôi nhà vững chãi mà còn cho 3 người con ăn học đoàng hoàng, con đầu của chị sắp tốt nghiệp đại học. Chị nói về những ngày đầu làm quen với cây sâm dây: “Bản thân thấy sâm dây trước năm 2010, hàng quán họ mua sâm dây giá nó cũng được hơn so với những mặt hàng khác. Thấy giá cao như thế chắc rừng cũng hết rồi, mình phải gom gom trồng để quản lý, sau này biết sâm dây nó có giá trị, năng suất cao hơn. Để ổn định cuộc sống gia đình, nuôi con cái ăn học”.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, người phụ nữ này còn vận động bà con trong làng cùng trồng sâm dây để xóa đói giảm nghèo. Nhận thấy hiệu quả kinh tế mang lại từ cây sâm dây của gia đình chị Y H Lạng, dân làng đã tin tưởng và làm theo, đến nay cả một vùng đồi gần làng Pu Tá, xã Măng Ri đã phủ xanh cây sâm dây. Chia sẻ về điều này, chị nói: “Người dân trước đây họ khổ, tuyên truyền cho bà con để họ trồng sâm dây để kết quả năng suất cao, để xóa đói giảm nghèo. Anh em hàng xóm gần nhà thì mình chiều, sáng tranh thủ sang nhà họ, để họ sau này thay đổi cuộc sống gia đình”.
Từ những mô hình trồng sâm dây hiệu quả trên thực tế, huyện Tu Mơ Rông cũng có những chính sách nhằm phát triển cây dược liệu quý này và giúp người dân thoát nghèo. Bằng nguồn vốn sự nghiệp khoa học công nghệ của huyện, đội ngũ cán bộ kỹ thuật phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã thu gom quả sâm dây trong tự nhiên, tự ươm giống, xây dựng thành quy trình và trực tiếp cầm tay chỉ việc, hướng dẫn cho người dân. Minh chứng là vườn sâm dây của gia đình anh A Công ở làng Mô Bả, xã Đăk Hà, với diện tích trên 5000m2 được các cán bộ kỹ thuật phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện hỗ trợ cây giống và quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, anh đã làm đúng hướng dẫn nên sau gần 1 năm xuống giống, cây đã cho củ to gấp 2 lần so với trồng tự nhiên. Có điều khác với sâm dây mọc tự nhiên, vườn sâm dây của anh được lên luống và cắm cọc cho dây leo, phương pháp trồng này đã thực sự mang lại hiệu quả. Anh A Công nói: “Nhờ phòng nông nghiệp huyện hướng dẫn cuốc đất, làm luống trồng. Trồng sâm dây mình ươm xong mình lấy mình trồng chỗ mình làm luống, cây cách cây là 20. Còn cái làm cỏ này kia cũng dễ, không được sạc, mình chỉ nhổ bằng tay thôi. Làm 1 sào sâm dây với 1 sào mì gia đình mấy năm trước cũng làm mì nhưng kết quả thu lại nó không bằng sâm dây. Ví dụ mì 1 sào mình để 2 năm, giá trên này nó thất thường, năm thì lên, năm thì giảm xuống, năm thì 1kg có 4 – 500đ nhưng sâm dây 1 sào để 2 năm phải được 4,5 đến 6 triệu 1 lần thu hoạch”.
Đầu ra cho sản phẩm này cũng được mở rộng, vì nhu cầu mua sâm dây của người dân trong và ngoài tỉnh khá lớn. Từ những lợi thế này, huyện Tu Mơ Rông quyết tâm phát triển cây sâm dây là một trong 7 loại cây trồng chủ lực cho sự phát triển kinh tế trên địa bàn. Để thực hiện mục tiêu đề ra, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân về việc trồng sâm dây xóa đói giảm nghèo, hàng năm ưu tiên tập trung nguồn lực nhất định hỗ trợ cây giống và khuyến khích đồng bào dân tộc trong huyện phát triển mạnh diện tích cây trồng này. Đồng thời, xây dựng chính sách kêu gọi thu hút doanh nghiệp đến đầu tư, phát triển cây sâm dây, xây dựng nhà máy chế biến dược liệu. Ông Hà Hồng Duy - Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông nói về định hướng phát triển sâm dây: “Về chủ trương phát triển sâm dây của huyện, huyện ủy đã có chương trình số 36 về phát triển ngành kinh tế mũi nhọn và các sản phẩm chủ lực của huyện trong đó có phát triển cây sâm dây. Hiện nay UB huyện xây dựng kế hoạch để trình hội đồng, kỳ họp thứ 7 sắp tới, khi hội đồng thông qua sẽ ban hành kế hoạch rồi triển khai thực hiện trong năm 2014 và những năm tiếp theo. Trong thời gian tới, để phát triển vùng nguyên liệu, thứ nhất là về định hướng quy hoạch, huyện sẽ quy hoạch sản xuất về nông lâm nghiệp của 11 xã hiện nay đang lập theo chương trình xây dựng nông thôn mới. Thứ 2 là về hỗ trợ cho nhân dân về giống từ các nguồn vôn sự nghiệp KHCN của huyện, chương trình 135, đồng thời sẽ tạo điều kiện kêu gọi các DN quan tâm đến đầu tư“.
Để sâm dây trở thành cây trồng chủ lực, xóa đói giảm nghèo, huyện Tu Mơ Rông cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân về giữ gìn và bảo tồn nguồn dược liệu quý này, đồng thời quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế; kêu gọi các nguồn lực đầu tư trồng, chăm sóc, chế biến dược liệu nhằm nâng cao chất lượng, giá thành sản phẩm, mở ra triển vọng và cơ hội mới về phát triển kinh tế cho người dân nơi đây.