Người Triêng ở làng Đăk Răng, xã Đăk Nông, H.Ngọc Hồi (Kon Tum) đang giữ bộ chiêng vô cùng quý giá của dân tộc này.
Đó là bộ chiêng Nỉ, nó chỉ được đánh lên trong những lễ hội trọng đại nhất của dân làng, rồi chủ giữ chiêng này mang đi cất giấu ở đâu không ai biết.
Giấu chiêng thiêng trong rừngGià làng Brol Vẻl chỉ bộ chiêng sum bảy lá của gia đình treo trên vách bảo: “Nó là bộ chiêng quý thật đấy, được đánh trong các hội làng, nhưng cả bộ không bằng hai lá chiêng đang cất trong nhà”. Nói đoạn già làng Brol Vẻl đi vào nhà trong, lát sau đi ra, trên hai tay già làng cầm hai lá chiêng, cái lớn chừng 50 cm, cái nhỏ 40 cm khoe: “Cả hai xã Đăk Dục và Đăk Nông bây giờ, chỉ còn có mỗi mình nó”.
Già làng thổ lộ, người Triêng không biết làm chiêng này đâu, muốn có nó phải qua tận bên Lào. Thế nhưng đến giờ, người làm chiêng này càng hiếm, bởi kỹ thuật làm chiêng thành bí truyền. Bộ chiêng của già Brol Vẻl nguyên bộ có bốn lá, gồm Ko, Kon, Tray, Sao (ông, cha, con trai và con rể), do dòng họ đổi từ 8 con trâu với người Lào và giao cho cha của Brol Vẻl cất giữ.
Khoảng năm 1961-1962, cha của Brol Vẻl dùng trâu đổi tất cả bộ chiêng nỉ này nên được sở hữu toàn bộ. Khoảng năm 1962 chiêng “con rể” mất đi, nên lấy ống nứa thay vào gọi là dục tít. Vào năm 1972, khi Brol Vẻl được cha truyền lại thì do chiến tranh nên thất lạc cái thứ hai là chiêng Ko (ông) ở đâu không biết, vì thế bộ chiêng nỉ nay chỉ còn lại hai lá.
Theo ký ức của già Brol Vẻl thì chiêng Ko to đến 80 cm, to nhất trong các loại chiêng, sau đó mới đến các chiêng cha, con trai và rể. Ngày nay, mỗi khi làng làm hội lớn, người Đăk Răng phải lấy một lá chiêng sum và một ống nứa thay vào để đánh. Dù vậy nhưng cả làng Đăk Răng đều tôn đó là bảo vật thiêng liêng của mình.
Cận cảnh lá chiêng Nỉ
“Nay chiêng này cất ở nhà riêng, còn ngày trước chiêng nỉ không phải để ở nhà rông, lại càng không để nhà mà cha mình phải mang vào tận rừng để giấu kín”, già Brol Vẻl nói. Nếu là dòng họ cùng sở hữu chiêng thì chỉ người được giao cho giữ mới biết nơi nào mình cất chiêng, các thành viên khác hoàn toàn không được biết. Tuy nhiên, phải làm chòi hẳn hoi, nơi đẹp và sạch nhất trong rừng để chiêng “nghỉ ngơi”. Đến khi lễ hội làng lớn nhất, trọng đại nhất diễn ra mỗi năm một lần tại nhà rông, người cất chiêng mới vào rừng sâu mang ra.
Ấy là chưa kể người Triêng không ai được quyền cầm, sờ tay lên chiêng mà chỉ có chủ chiêng được cầm đến, còn những người họ hàng có chung sở hữu thì chỉ khi chiêng được thỉnh ra đánh trong lễ hội trọng đại mới được cầm đến. “Có ai phạm tục này chưa?”, tôi hỏi. Già làng Brol Vẻl bảo chưa thấy ai phạm vào điều cấm kỵ này, bởi “ai cũng giữ thân giữ phận mình trước những gì thiêng thiêng của dân tộc mình”.
Theo quan niệm của người Triêng, chiêng Nỉ có “Yàng” của riêng mình nên ai cũng quý nó. Anh A Muôn kể ngày xưa theo quan niệm của dân tộc mình, khi xảy ra chiến tranh giữa các làng, các bộ tộc, làng nào cũng cố giữ bộ chiêng này, vì cho rằng ai giữ chiêng Nỉ thì luôn thắng trận. Hơn nữa, làng nào có chiêng này thì chủ chiêng và làng có chiêng luôn được phù hộ ấm no, giàu có. Còn những làng không có thì không có “Yàng” bảo vệ nên mùa màng thất thu, bệnh tật và thiên tai hay gây hại cho dân làng.
Làm lễ “bôi máu” trước khi đánh chiêngBuổi chiều ở nhà già làng Brol Vẻl, càng về sau thì người già và thanh niên đến ngồi nghe kể chuyện về chiêng Nỉ càng đông. Chúng tôi chú ý, ai cũng nhìn vào chiêng nhưng không ai dám lấy tay sờ vào, mà chỉ duy nhất có già Brol Vẻl mà thôi. Cái tục thiêng ấy quả là không chỉ có ngày xưa, mà nay đồng bào làng này cũng không ai dám “vượt rào”. Thế nhưng, đó chưa phải là điều duy nhất: điều ngặt nghèo thứ hai chính là đánh chiêng.
Biểu diễn đánh một lá chiêng Nỉ
Người làng Đăk Răng nói riêng và cộng đồng người Triêng nói chung, khi làm lễ ăn lúa mới vào tháng 11 âm lịch hằng năm thì rước chiêng Nỉ ra và để trên cao trang trọng giữa vách nhà rông. Theo già Brol Vẻl, sau đó, khi con trâu hiến tế buộc ở giữa cây nêu lớn được đâm lấy tiết, thì dòng máu chảy ra đầu tiên, người làng mang cho chủ chiêng và già làng bôi khắp chiêng Nỉ, khấn vái: Xin chiêng ăn đi mà nói với Yàng cái bụng của người Triêng luôn quý trọng, kính ngưỡng Yàng, mong Yàng phù hộ cho dân làng ngày ngày ăn no cái bụng, đêm đêm ngủ yên giấc, cái thiên tai, cái bệnh tật tránh xa dân làng.
Sau lễ bôi máu “hiến tế” cho chiêng, chủ chiêng và già làng bắt đầu đánh chiêng Nỉ lên. So với các loại chiêng khác có nhiều bài đánh, chiêng Nỉ chỉ có hai bài: bài mừng ăn trâu và bài mừng lúa mới, chỉ đánh khi khai hội rồi để đấy, không ai được đánh nữa. Sau đó, khi lễ hội diễn ra xong chừng một tuần, mười ngày thì chủ chiêng mang nó đi giấu kín. Điều đặc biệt nữa là trong lễ hội lớn ấy, nếu không ăn trâu thì không được mang chiêng Nỉ ra đánh và chỉ khi chiêng Nỉ đánh trước rồi mới đến lượt các chiêng khác và khèn, sáo tấu lên.
Chiều, tà dương từng vệt lê thê lần lượt tắt trên ngọn đồi trước làng Đăk Răng xinh đẹp. Hủ rượu ghè giữa sàn nhà già Brol Vẻl cũng nhạt dần, nhưng chuyện làng ngày xưa, chuyện chiêng Nỉ càng về sau càng được các già làng kể hấp dẫn. “Xưa làng Đăk Răng có 3 bộ chiêng Nỉ và các làng khác đều có chiêng Nỉ. Nhưng nay chỉ còn 2 lá ở nhà đây thôi, nhiều làng không còn chiêng này”. Lời kể pha thêm tiếc nuối sâu thăm thẳm: người Triêng không bán chiêng Nỉ đâu, chỉ truyền cho con cháu hết đời này qua đời khác mà thôi…