Ở đó, khi nói về tình yêu, người ta hay nhắc đến những câu chuyện cảm động của những cặp trai gái yêu nhau, tìm mọi cách thành vợ, thành chồng bất chấp khó khăn, cách trở về mọi nhẽ.
Ngôi làng có họ hàng ở 3 đất nướcChiều cuối năm Mùi ở làng biên giới Đắk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum thường xuyên xuất hiện những cơn mưa như trút nước. Chúng tôi còn đang bỡ ngỡ tìm nơi tránh mưa thì gặp ngay Trưởng làng Thao Lợi vừa đi làm rẫy về. “Vào nhà Thao Lợi tránh mưa đi, hết mưa lại đi tiếp, nhanh nhanh kẻo ướt hết đấy”, chưa kịp chào hỏi, ông đã dắt tay chúng tôi chạy nhanh vào ngôi nhà bên cạnh.
Vùng đất Tây Nguyên thật lạ, cứ sau mỗi trận mưa là trời lại cho ta cái cảm giác se se lạnh. Ngồi bên bếp lửa, Thao Lợi hỏi: “Vậy là các anh đến từ Hà Nội à? Mình xem tivi thấy Hà Nội đẹp lắm, nhưng chưa có dịp nào ra thăm Hà Nội, thăm Lăng Bác Hồ”.
Chúng tôi và Thao Lợi, những người lần đầu quen biết nhưng tưởng như đã thân thiết tự bao giờ. Vùng đất Tây Nguyên, con người Tây Nguyên đúng như ai đã nói, “đến một lần rồi cứ muốn lần nữa, lần nữa, lần nữa và sẽ nhớ mãi thôi”. Họ dễ gần, dễ trò chuyện, thật thà, chất phác và rất quý những người đến từ vùng đất xa lạ. Ngồi trò chuyện, nghe Thao Lợi nói, chúng tôi mới biết ông là người gốc Campuchia. “Những năm cuối của thập kỷ 1970, khi nạn diệt chủng Pôn Pốt lan rộng ra khắp đất nước Campuchia thì cả làng chúng tôi phải chạy đi nhiều nơi để lánh nạn. Ai yếu thì chạy gần, ai khỏe thì chạy xa. Người sang Việt Nam, người ngược lên đất bạn Lào. Ở làng Đắk Mế này, gần như tất cả là người Brâu từ Campuchia chạy sang. Khi kết thúc nạn diệt chủng Pôn Pốt, nhiều người trở về với quê hương, còn một số người ở lại xây dựng cuộc sống mới, rồi sinh con, đẻ cái cho đến tận bây giờ”, Trưởng làng Thao Lợi kể.
Trưởng làng Thao Lợi. Ảnh: PB
Nếu nói về lịch sử hình thành làng Đắk Mế có thể là một câu chuyện dài, bởi ban đầu, nơi cư trú của người Brâu vốn chỉ có một làng nhỏ, nằm trong rừng sâu giữa 3 miền biên giới của Việt Nam - Lào - Campuchia. Khi thực dân Pháp và sau này là đế quốc Mỹ xâm lược, rồi với nạn diệt chủng Pôn Pốt thì người Brâu phân tán đi nhiều nơi. Tuy nhiên, hiện số người Brâu ở Campuchia nhiều nhất (khoảng 15 vạn người), đến Lào (khoảng 13 vạn người), sau là Việt Nam. Theo thống kê hiện nay, toàn bộ người dân tộc Brâu cư trú ở làng Đắk Mế, có khoảng 140 hộ và 489 nhân khẩu.
Trò chuyện với chúng tôi, Trưởng thôn Thao Lợi cho biết, chính vì ngày xưa chạy nạn cho nên bây giờ họ hàng, anh em, bạn bè vẫn đang ở Lào hoặc Campuchia. “Tên thật của mình là Đao Chơi Lơi, đời cha ông ở tận làng Ta Veaeng, huyện Ta Veaeng Leu, tỉnh Ratanakiri. Thỉnh thoảng, gia đình mình vẫn đi xe máy hoặc xe khách sang những nơi đó để thăm lại người thân”, Thao Lợi nói. “Nếu vậy thì tổ tiên, anh em, họ hàng của những người Brâu ở Đắk Mế này chủ yếu là bên Campuchia phải không?”, chúng tôi hỏi. “Đúng rồi, bố mẹ tôi, gia đình và bạn bè tôi ở Campuchia nhiều lắm. Bây giờ, lũ trẻ vẫn yêu và lấy nhau đấy thôi”, Thao Lợi nói và hứa rằng, sẽ đưa chúng tôi đến gặp những cặp vợ chồng mà quê hương lại ở 2 đất nước khác nhau nơi ngã ba biên giới này.
5 lần “vượt biên” để cầu hônNgồi bên bếp lửa, chúng tôi được Trưởng làng Thao Lợi kể những câu chuyện tình thú vị của các cặp đôi, tuy cùng nguồn gốc, cùng dân tộc, cha mẹ là bạn bè, hàng xóm nhưng lại sống xa cách mỗi người một nước. Nhưng vượt qua tất cả về sự khó khăn của khoảng cách, họ vẫn đến với nhau bằng những tình yêu nồng cháy, được sống hạnh phúc bên nhau.
Và khi cơn mưa đã tạnh, Thao Lợi lấy máy điện thoại gọi cho một ai đó, giọng hào sảng: “Mày ở nhà không? Có nhà báo đến thăm nhé”. Nói xong, Thao Lợi bảo với chúng tôi, chuẩn bị đến thăm một đôi vợ chồng có chuyện tình đẹp nhất ở ngã ba biên giới này. “Vợ là người Việt Nam, còn chồng là người Campuchia, nhưng đều là dân tộc Brâu đấy”.
Vợ chồng Đa Ra Ba Mon và Nàng Mỹ Anh cùng cô con gái.
Sau mấy phút đi bộ, chúng tôi đứng trước ngôi nhà nhỏ nền đất, mái lợp tôn tuềnh toàng, Thao Lợi cất tiếng: “Ớ, hai đứa đâu rồi, khách đến không mở cửa à?". Sau tiếng gọi, một đôi vợ chồng trẻ cùng ra mở cửa. Thao Lợi chỉ tay vào người chồng bảo, đây là Đa Ra Ba Mon, năm nay 33 tuổi, là rể của làng Đắk Mế, người Campuchia, còn vợ là tên là Nàng Mỹ Anh, kém chồng10 tuổi.
Mở đầu câu chuyện, Ba Mon nhìn vợ rồi bảo: “Mình 5 lần nói lời yêu, vợ mới đồng ý cưới”. Nói xong, cả hai vợ chồng lại nhìn nhau cười khúc khích. Để đến với nhau, Ba Mon, một cán bộ làm việc trong Khu bảo tồn ở huyện Ta Veang Leu (Campuchia) phải vượt quãng đường xa hàng trăm dặm chỉ vì đã trót yêu cô gái Brâu rất đỗi xinh đẹp ở Việt Nam. Trưởng làng Thao Lợi cho biết, Ba Mon là con nhà bác ở bên Campuchia, trong một lần sang chơi nhà của Thao Lợi, thì Ba Mon quen Nàng Mỹ Anh. Mặc dù mới gặp nhau lần đầu, nhưng khi bắt gặp ánh mắt của Nàng Mỹ Anh, “Tự nhiên mình thích nhìn ánh mắt ấy. Mình nhớ lắm nhưng không biết làm sao cả. Đến lúc về lại Campuchia, nỗi nhớ càng nhiều hơn, mình nhờ chú Thao Lợi đánh tiếng để xem Mỹ Anh có ưng cái bụng không. Lần đầu không được, mình tìm mọi cách quay trở lại Bờ Y. Và mất công nửa năm trời, mình đi xe máy qua biên giới để ngỏ lời cầu hôn với Mỹ Anh”, Ba Mon nhớ lại.
Nàng Mỹ Anh cho biết, trong một tháng đầu, cứ vào ngày thứ Bảy, khi được nghỉ việc thì Ba Mon lại cưỡi xe máy chạy về thăm mình. “Mỗi lần như thế, Ba Mon đều bảo lấy mình nhé, nhưng mình không đồng ý vì tận Campuchia xa xôi quá. Lần thứ 5, Ban Mo đến nhà mình lúc mình đang đi làm rẫy. Khi về đến nhà, trời đã xế chiều, mình thấy Ba Mon đứng một mình ở trước cửa, cả chiếc xe máy và người lấm lem bùn đất. Vừa nhìn thấy mình, Ba Mon chạy lại, cầm chặt tay mình rồi nói: “Anh nhớ em lắm. Em “bắt” anh làm chồng đi, lúc đó vừa thấy thương Ba Mon, vừa thấy yêu nữa”, Nàng Mỹ Anh kể lại.
Cuối cùng, trời không phụ lòng tình yêu chân thành và son sắt của chàng trai Campuchia, sau 5 lần ngỏ lời, cô gái Brâu Mỹ Anh cũng lay động. Qua điện thoại, Mỹ Anh bảo: “Em xin gia đình rồi, anh chuẩn bị lễ vật để lấy em làm vợ nhé”. Cầm điện thoại trên tay, đọc những dòng chữ của Mỹ Anh gửi, Ba Mon hét lên trong niềm vui khôn tả. Ngày 29/10/2013, một đám cưới nho nhỏ, đưa hai con người, hai trái tim ở hai đất nước thành một nhà. Giờ đây, trong ngôi nhà nhỏ của Ba Mon và Mỹ Anh tại làng Đắk Mế, niềm hạnh phúc càng lớn hơn khi có sự hiện diện của bé Nàng Đa Ra đáng yêu, chào đời năm 2014. Và để nhớ về tình yêu xuyên biên giới của cặp vợ chồng này, tên bé Nàng Đa Ra chính là cái tên ghép chung hai dòng họ của bố mẹ bé.
Trong ngôi nhà đơn sơ của hai vợ chồng Ba Mon và Nàng Mỹ Anh, chúng tôi không thấy sự giàu có về vật chất, thậm chí là rất nghèo khi chỉ có bộ bàn ghế, cái giường ọp ẹp, nhưng có thể nhìn thấy trong ánh mắt của họ luôn tràn đầy niềm vui và hạnh phúc. Và điều quan trọng hơn nữa, câu chuyện của Ban Mo và Mỹ Anh sẽ một biểu tượng cho tình yêu bất diệt và hạnh phúc luôn ngọt ngào.
Tình yêu “sét đánh” xuyên Đông DươngGia đình Thao Buôn Xay và Nàng H’Diêu.
Chia tay đôi vợ chồng Đa Ra Ba Mon và Nàng Mỹ Anh, Trưởng làng Thao Lợi dẫn chúng tôi sang nhà vợ chồng nhà Y Diêu (Nàng H’Diêu, SN 1986), lấy chồng là Thao Buôn Xay (SN 1980) người Lào. Hai vợ chồng đã cưới nhau được 10 năm nay và cũng ở hẳn bên Việt Nam này.
Thao Buôn Xay kể, mình là một chàng trai người dân tộc Brâu. Cách đây mười mấy năm, trong một lần sang thăm người cậu bên Đắk Mế này thì gặp Nàng H’Diêu. Tình yêu “sét đánh” khiến cho chàng trai người Lào mê mệt cô gái trẻ, thế rồi Buôn Xay quyết định ở lại… Đắk Mế để tán H’Diêu bằng được. “Gặp rồi tự nhiên thấy thích và yêu Hờ Diêu lắm. Mình xin bác ở lại nhà một thời gian rồi ngỏ lời với H’Diêu. Khi H’Diêu đồng ý, mình lại sang nhà ở Lào để báo lại cho gia đình, chuẩn bị lễ vật gà, lợn và rượu để sang hỏi vợ. Vì theo phong tục người Brâu, khi lấy vợ thì phải ở bên nhà vợ vài ba năm nhưng mình ở tận đến bây giờ rồi”, Thao Buôn Xay nói.
Là người gốc Brâu và sinh ra, lớn lên ở bên Lào nên tiếng Việt của Thao Buôn Xay không được sõi lắm. Với giọng chậm rãi, Thao Xay kể, sau khi cưới vợ ở bên này thì hai vợ chồng được chia một ít ruộng để làm. “Nhưng cũng nghèo lắm. Vừa rồi phải vay mượn để thuê thầy cúng chữa bệnh cho vợ. Chẳng hiểu sao, mấy tháng lại đây vợ H’Diêu cứ kêu đau bụng, tức ngực. Đã thuê thầy cúng, cúng một con trâu to rồi mà bệnh không hết. Thế này, chắc phải lên bệnh viện khám thôi”.
Nhìn hai đứa con đang chơi trước cửa, Thao Xay khoe đứa lớn tên là Nàng Ti Nia đang học lớp 4, còn em gái là Y Ly Mia, đang học mẫu giáo. “Nhà nghèo nhưng năm nào bé Ti Nia cũng được học sinh tiên tiến, còn bé Y Ly Mia thì rất chăm ngoan. Mặc dù ở xa nhà nội nhưng mỗi năm mình cũng tranh thủ về quê hai lần để thăm bố. Vì mẹ mất rồi nên bố đang ở với anh trai bên đó”, Thao Xay nói.
Đang dang dở câu chuyện thì vợ của Thao Xay, Nàng H’Diêu về. Khi mới nghe chồng giới thiệu thì Nàng H’Diêu đã kêu lên: “Ơ, mệt lắm nhà báo ơi. Bệnh tật nhiều lắm. Hôm trước mới thuê thầy cúng, giết con trâu gần 30 triệu mà cái bệnh không hết được. Đau khắp người, đau ngực, đau bụng mà cúng không hết bệnh. Giờ muốn cúng tiếp nhưng đang nợ nhiều tiền quá”. Tiếp lời của Nàng H’Diêu, như để giải thích thêm cho chúng tôi hiểu, Trưởng làng Thao Lợi cho biết, người dân tộc Brâu có tục, cứ khi bị ốm đau là phải đâm con trâu to để cúng. “Ở đây muốn cầu con trai cũng phải cúng, cầu hết bệnh tật cũng phải cúng, muốn đuổi con ma cũng phải cúng thôi. Nhưng không phải ai cũng có nhiều tiền để mua con trâu to hàng chục triệu đâu”, Thao Lợi nói.
Nói về đám cưới của người Brâu, Trưởng làng Thao Lợi cho biết, sau khi trai gái ưng nhau cái bụng thì nhà trai sẽ đưa lễ vật sang nhà gái. Lễ vật tùy điều kiện giàu có hay không mà gồm gà, lợn, trâu, bò và rượu. Sau khi cưới xong thì chú rể sẽ ở lại nhà gái mấy năm để “theo dõi”. Khi nhà gái thấy chú rể yêu thương con gái mình thật lòng thì cho phép nhà trai sang làm lễ tạ ơn rồi xin con dâu về. Ở với nhà chồng 2, 3 năm thì các cặp vợ chồng được phép ra ngoài ở nhà riêng.
Đối diện với nhà của vợ chồng Thao Buôn Xay và Nàng H’Diêu là nhà của Nàng P’Rao (23 tuổi) và chồng cũng là người Lào, tên Thao Lây (28 tuổi). Tuy nhiên, sau khi cưới, Thao Lây ở lại đây 3 năm thì xin đưa vợ về sống ở bên Lào rồi. “Thỉnh thoảng anh chị mới về đây thăm bố mẹ thôi. Bây giờ nhà chồng họ xin về rồi nên phải theo chồng mà. Anh Thao Lây cũng ở đây cho gia đình theo dõi 3 năm rồi đấy”, Nàng P’Riu, em gái của Nàng P’Rao cho biết.
Chưa qua thầy cúng, chưa thành vợ chồngTheo Trưởng làng Thao Lợi, ở làng Đắk Mế này có đến gần 10 cặp vợ chồng có chồng hoặc vợ là người bên Lào hoặc Campuchia. Tuy khác đất nước nhưng đều là người Brâu nên phong tục sống, văn hóa, ngôn ngữ đều giống nhau. Chẳng hạn như về phong tục cưới hỏi, khi hai bên thuận tình đi đến hôn nhân thì nhà gái sẽ thách cưới và gia đình nhà trai sẽ đứng ra lo toàn bộ lễ cưới bên nhà gái, dù đó là chàng rể Campuchia, Lào hay Việt Nam. Có điều, lễ vật trong cưới xin rất đơn giản chứ không cầu kỳ, tốn kém. Tuy vậy, trong đám cưới nào cũng nhất thiết phải có thầy cúng. Nếu khi chưa có sự chứng giám và làm lễ của thầy cúng thì coi như cặp vợ chồng đó chưa thể ở cùng một nhà được.
Từ ngày cưới đến giờ, Nàng Mỹ Anh đã về nhà chồng 6 lần, còn tất cả đều ở bên làng Đăk Mế. Riêng Ba Mon sau ngày cưới, vẫn đều đặn đi về thăm vợ con vào dịp cuối tuần. Làm ở Khu bảo tồn bên Campuchia, khoản lương của Ban Mo không nhiều nhặn cho lắm, nhưng cứ đều đều, mỗi tháng qua Cửa khẩu, Ba Mon lại đổi ra tiền Việt được khoảng 4 triệu đồng.