Tên của làng được lấy làm tên cho thành phố và tỉnh Kon Tum, theo tiếng Bahnar, diễn nghĩa ra tiếng phổ thông là “Làng đầu nguồn nước”, “Làng hồ”.
Làng sơn cước cổ xưa, nằm trong lòng thành phố nay, thuộc phường Thống Nhất. Nghĩa là nếu muốn, người Bahnar bản địa sẽ được thụ hưởng ngay hệ thống cấp nước đô thị như mọi thị dân, như bao thành phố. Nhưng người Bahnar bản địa vẫn cứ thích ra Giọt Nước để lấy nước ở đây sinh hoạt.
Cứ thế họ cười tươi rói và hay vẫy tay chào tôi. Tôi giơ tay và cúi đầu chào họ. Đàn ông cởi trần tắm gội sau khi đi làm về; phụ nữ gùi nông lâm sản để đấy rửa, giặt giũ, tắm, gùi nước; trẻ em kê đầu vào vòi nước tắm, nghịch nước.
Như một số Giọt Nước (diễn nôm tạm hiểu như tiếng phổ thông là “Bến Nước”) thi thoảng ngày nay ở Tây Nguyên, Giọt Nước Kon tum K’năm này cũng được lên đời: xây bể to ngay đầu giọt để số người sử dụng cùng một lượt được nhiều hơn; vòi bằng nhựa; đường lên xuống bến nước được xây tam cấp. Cho dù có chút bê tông vào thì Giọt Nước/ Bến nước vẫn sống cuộc đời vốn có, tiếp nhận sinh hoạt cùng tâm hồn đồng bào như xưa nay, truyền thống.
Đến buổi chiều tà, mọi thứ còn sống động hơn, số lượng người đông nghịt, hình như cả làng, quanh Giọt Nước của làng Kon Tum K’năm này.
Rồi những buổi trưa, buổi chiều như thế ở Buôn Ko Sia, phường Tân Lập, ở Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Dak Lak. Nhà bê nay đã tông phủ khắp Ko Sia. Chỉ có trong lòng người Ê Đê ở buôn này, Giọt Nước buôn Ko Sia vẫn hiện ra nguyên chiều sâu của họ, lề thói, văn hóa và tinh thần của họ.
Những cái gì “Ê Đê” chỉ có thể thấy thật nhất ngay ở đây, từ hình ảnh chiếc gùi, cách bước đi, ăn nói, loại câu chuyện đời thường khi họ trò chuyện với nhau, kiểu tắm gội, đùa giỡn, cách chăm con trẻ, ứng xử giữa đàn ông với phụ nữ, đặc trưng cây, con làm thức ăn...
Ở Plei Ku Ró thuộc thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai của người J’rai; ở bon Đắk Nông của người M’Nông ngoài Thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Dak Nông, hay ở tận Buôn Dei Yang vùng xa Ea H’Leo, tỉnh Dak Lak cũng thế. Người sơn nguyên không thể thiếu Giọt Nước trong vòng đời của họ.
Đoàn tụ quanh Giọt NướcThì Làng nào ở Tây Nguyên mà chẳng có một Giọt Nước như thế. Ngày trước, cha ông họ khi lập làng, điều căn cốt đầu tiên là xác định cho được chỗ ấy phải có Giọt Nước. Giọt Nước nó là thực thể cơ bản, thiết thực, và thiêng liêng.
Sau khi tìm ra Giọt Nước, những người đi tìm đất lập làng cắm một chiếc rìu xuống đất. Rút phần cán gỗ ra, để lại phần lưỡi sắt. Ba ngày sau quay lại, nếu chiếc rìu còn nguyên, không ngã đổ, nghĩa là Yàng “đồng ý”.
Thế là làng hình thành. H’Ben, cô gái ở buôn A Lê B, phường Ea Tam, Tp.Buôn Ma Thuột bảo rằng, theo nhận thức truyền thống của người Ê Đê nàng, Giọt Nước là tặng phẩm của Yàng chứ không phải đơn giản. “Nó tự nhiên có. Nước chảy từ trong lòng đất ra, chảy mãi mà không bao giờ cạn, cho dù mùa khô. Dù ở mùa mưa nó cũng chảy bình tâm, rỉ rả đều như thế thôi. Nguồn nước từ nó bao giờ cũng lành. Ai uống cũng khỏe mạnh; cả cộng đồng khỏe mạnh”, H’Ben kể.
Nhìn sức khỏe của một cộng đồng là biết Giọt Nước ở đó vậy. Trong H’Ben, cây Ana Hra(sung), Ana Mo(xoài rừng), Ana K’Mhia(khế) bên Giọt Nước là cái gì đó rất thân thương, sâu nặng. Chính vì là chỗ an lành nhất mà mọi Giọt Nước bao giờ cũng là nơi nhiều chim chóc, và đặc biệt là ong, tập trung về làm tổ. Có những cây M’nút bám đếm vài trăm tổ ong. Nhưng chẳng bao giờ người ta bắt những tổ ong ở Giọt Nước ấy. Giọt Nước là chốn vạn vật xum vầy, cõi để sống và ngưỡng vọng, thành kính thiên nhiên.
Nhiều Giọt Nước đi qua, bao lần bà con bảo tôi thích thì cứ xuống tắm, lấy nước như họ. Thế đó, chỗ có Giọt Nước, mọi thứ sinh hoạt hàng ngày diễn ra êm ái, chảy bình lặng, thiện lành tự nhiên. Đồng bào lên xuống Giọt Nước an nhiên trong từng bước chân, nhu cầu. Họ cứ tắm gội êm ái. Cứ giặt quần áo. Cứ rửa rau. Cứ lấy nước. Cứ gùi về. Không còn dùng trái bầu như xưa nữa, họ lấy những chai nhựa Coca Cola, Lavie, Vĩnh hảo, hay bất cứ chai nhựa gì có trong nhà mà mang xuống Giọt Nước lấy nước…
Điều tuyệt vời là ai xuống trước thì được sử dụng nước trước, nếu như lúc ấy đông đúc. Phía nào vòi nước dành cho nam thì nam sang phía đó. Phía nào dành cho nữ thì nữ tụ lại. Cứ thế lần lượt, theo trật tự tự nhiên, bằng niềm tin và lòng tự trọng, mà không có bất cứ ai hô hào, chỉ huy hay đứng đấy sắp xếp cả.
Không gian để người trong thế gian chan hòa, tràn đầy thân thương, đúng nghĩa tình làng nghĩa buôn. Hình ảnh văn minh thuần khiết này khác chi cảnh người Nhật xếp hàng khi Tsunami_sóng thần_ xảy ra. Văn minh từ trong trái tim và tâm hồn là thứ văn minh rực rỡ và bền bỉ nhất, chạm đến chân lý, lẽ phải.
Rằng, tại sao người bản địa Tây Nguyên vẫn gắn thích sinh hoạt bên Giọt Nước giữa thời buổi nước đưa vô tới bồn tắm, nhà bếp nhỉ. H’Da, cô gái Ê Đê có sắc vóc như người mẫu ở Buôn Ko Sia, ăn mặc quần Jean, áo Pull, tóc nhuộm vàng, xài Iphone nói với tôi là chỉ nước ở dưới đó mát nhất, là lý do nàng xuống tắm. Hơn thế nữa, nàng chỉ thấy “Ở nhà”, là chính mình, khi tung tăn ở Giọt Nước này.
Ea K’haNước ở Giọt Nước là thứ nước chảy ra từ sâu trong lòng núi, lòng đất. Nước như thế thì bảo làm sao nó không thanh cao, tinh sạch nhất được. Trong khi ở đô thị người ta xài nước mặt từ các sông hồ, xử lý qua hóa chất, thì dùng được nguồn nước tinh khiết đúng nghĩa này quả là thông minh thượng hạng.
Khi phát hiện ra một “nguồn nước” như thế, đồng bào chặt những cây lồ ô, đục thông các đốt ngăn của lồ ô. Thế là tạo nên một ống dẫn. Và đặt ống dẫn này vào sâu trong lòng đất. Trên ống lồ ồ đó, cứ bốn chục centimét cắt bỏ một miếng nhỏ ở phần sống lưng để tạo sự thông khí cho nước “thở”, và chảy được nhanh.
Không lồ ô thì linh hoạt dùng ống nhựa cũng được, vì xưa chỉ có một sự lựa chọn, chứ nay chất liệu phương tiện đa dạng. Bao giờ ở đầu K’nang Ea(vòi nước) bà con cũng nhét vào xác trái mướp khô để lọc nước thêm lần cuối. Từ những K’nang Ea đó, nước tha hồ, miễn phí, thứ nước không thể có vi khuẩn vi trùng, khi uống vào ta cảm giác sự ngọt lịm tận đáy lòng. Cứ vậy, cộng đồng chung dùng và cùng gìn giữ.
Cái văn minh của rừng coi vậy mà nó sâu thẳm, thách đố người ở đô thị thành về sự thông hiểu và hàm ơn chân thành của con người với thiên nhiên. Họ đặt tên cho Giọt Nước là Ea(hoặc Ia, Da, Dak_tùy theo nhóm ngữ hệ của mỗi nhóm sắc dân mà từ gọi “nước” khác nhau) K’ha. Ea nghĩa là “nước”. Còn K’ha nghĩa là “rễ cây”.
Cái thứ nước tinh khôi linh thiêng, sự linh thiêng của vật chất, hiện thực, khác với nước mặt trên sông, suối, hồ, biển khơi. Nghĩa rằng Giọt Nước là nước từ Rễ cây. Chính rễ cây tạo ra nước, nguồn nước. Bao trùm lên tất cả nó là vai trò của cây cối với sự sống, cho muôn loài, và con người. Minh triết thế thì đạt đến tuyệt đỉnh rồi.
Y Blai Nie, người đàn ông nhiều tuổi ở buôn Ko Sia nhiều lần khẳng định với tôi rằng Giọt Nước là vật cao cả nhất của làng anh. Thế nên mọi thứ cây mọc ở quanh xung quanh đấy đều là thiêng liêng. Không bao giờ bà con đụng vào nó, cho dù nhu cầu về gỗ có ngặt nghèo thế nào.
Người ta hay cúng Giọt Nước/Bến nước là vì vậy. Như nàng H’Ben sâu sắc, Y Blai Nie bảo: Ai đụng vào cây ở Giọt Nước tức là đụng vào nguồn nước, Yàng rồi. Nơi này, hội tự toàn cây có thần, mà linh thiêng nhất là cây Ana M’Nút(đa), Ana H’ra(sung), Ana K’tưng, Ana Kô… Nguồn nước của trời đất cao cả như nguồn sữa từ người Mẹ.
Con người không thể sống nếu thiếu nước. Sức sống dữ dội của cây Ana H’ra, từ rễ, lá, trái quanh năm tuôn trào biểu thị cho tinh thần Mẫu hệ, tinh thần nguồn cội đó. Mà không chỉ cây Ana H’ra kia, bao giờ không gian của Giọt Nước cũng là cả một vùng sinh thái nguyên sinh, đa dạng sinh học. Chính Giọt Nước đã dạy và nhắc nhở trực tiếp thường xuyên về sự thuận hòa với thiên nhiên, sự tinh tế của người với rừng, về chân lý sự sống bắt đầu từ vi mạch của thảo mộc, đất đai, tiếng thở than, tự tình của cây lá.
Nhiều năm lui tới qua các Ea K’ha, nhờ đó tôi mới nhận diện được những cây Ana Klếch, Ana Ê nhuôi, Ana Ktrôl, Ana Plei, rồi những loại cây nằm là là mặt đất như Ana Ybua, Ana K’ton…
Nhưng với người Tây Nguyên, những cái cây kia không chỉ là cây, thực vật vô tri, mà nó có “thần” trong đó, tinh thần trong đó. Biết tôn trọng thiên nhiên là khi người ta kiêng nể thiên nhiên, xem vạn vật hữu linh. Không chặt cây bừa, không phá rừng vô lối. “Cây” với “Nước” đi cùng nhau, tuy hai mà một.
Thần Rừng đã thiêng, mà Thần Nước lại càng thiêng. Trong đời sống xã hội Tây Nguyên, người ta nhận thức và coi Nước, Lửa, Gió là ba thứ duy trì sự tồn tại của con người, và của vũ trụ. Thế là sinh ra ba vị Vua cụ thể, hiện hữu trong cộng đồng để cai quản ba thứ vật chất cơ bản này, là Pơtao Ea(Ia)(Vua nước), Pơtao Puih(Vua lửa), và Pơtao Angin(vua gió).
Như hai Pơtao kia, Pơtao Ea cũng là người đại diện của thần linh có sức mạnh huyền bí trong cai quản nguồn nước nơi thế tục. Dù ngài cũng không hề có cung điện hay ngai vàng, nhưng cộng đồng cứ kính trọng vô song trong biểu tượng tinh thần ấy.
Nên Giọt Nước/Bến nước là một thế giới vừa tồn tại ở dạng vật chất vừa ở dạng tinh thần, vừa thế tục vừa hiển linh. Nhưng ở thể nào nó cũng đều rất thực chất, thuộc về thế tục, sát thực với cuộc tồn tại của con người bé bỏng trong vũ trụ mênh mông. Nhờ vậy, mà rừng núi còn, được gìn giữ từ bên trong tâm hồn của con người.
Nước mắtNhững gì diễn ra ở không gian Giọt Nước là sự tích hợp những gì vi tế, sâu sắc, nhưng sống động và thật nhất của hồn cốt văn hóa người sơn nguyên, cùng ý thức sống coi trọng thiên nhiên, nương tựa thiên nhiên.
Trên cơ thể Tây Nguyên, mọi thứ xáo động, từ cấu trúc rừng đến cấu trúc gia đình, xã hội, văn hóa, suốt mấy chục năm qua, trước áp lực gia tăng dân số cơ học và nhu cầu đất đai cho sự gia tăng ấy. Nhưng nhìn vào sự tồn tại sừng sững của những Giọt Nước, tôi nhận ra nó là “thành trì” cuối cùng của giá trị Tây Nguyên. Chỉ có điều, Giọt Nước cũng gầy gò đi.
Bởi nhiều Giọt Nước vài mùa sau ghé lại chỉ còn cái “rốn” của nó là sinh thái quanh thung lũng ấy, trong khi bên trên nó tất cả đã phủ đầy cà phê, cao su, đô thị. Ở Dak Tô, Sa Thầy, ở Chư Pảh, Chư Sê, ở Dak Song, Dak Min, ở Ea H’leo, và ngay cả ở Tp.Buôn Ma Thuột của Dak Lak cũng vậy. Buôn K’mơrông Prông B, Ako Dhong, Păm lăm, Ko sia thân quen đang gồng mình để tồn tại.
Giọt Nước buôn Alê B thì đã biến mất. H’Ben buồn tiếc, và nàng thấy tê tái khi người ta xây bể phốt hầm cầu đè lên Ea K’ha. Ea K’nang Alê B mới hôm nào còn rỉ rả nước kia, nhưng khi mua được đất của đồng bào ở chỗ này người ta cất lên một tổ hợp nhà trọ bình dân đầu nguồn nước từng thiêng. H’Ben nói nàng thích uống nước mát lành từ Ea K’nang, chứ không vô hồn vô cảm như nước từ vòi romine. H’Ben ạ, nàng phải chấp nhận thôi, vì Ea K’ha cũng có số phận của nó.
Và nhiều Giọt Nước nữa, nơi trung trung tâm tỉnh, huyện đến vùng sâu vùng xa, cũng rơi rụng dần theo cơn mê sảng của địa ốc và thời cuộc. Như người K’ho, nước trời rõ ràng kia, thế mà cũng gọi là Da Nhim, tức nước mắt, nó cũng có trái tim, như con người, và từng lấy tinh thần đó đặt tên cho một dòng sông ở xứ mình.
Nhìn mọi thứ ở bên trên thay đổi như cơn lốc, mới thấy Giọt Nước bơ vơ làm sao. Biến mất cây rừng rồi, thế mà nước vẫn cứ chảy đều ở những Ea K’ha ấy. Điều kỳ diệu bền bỉ từ trong lòng đất.
Những Giọt Nước còn lại kia sẽ có cuộc chống chọi quyết liệt cho sự tồn tại, thích ứng, tiếp biến sang hình thức tồn tại khác, hoặc phải đầu hàng, tiêu biến. Giọt nước vật vã trong lòng đất, thì giọt nước khác lại rớm ra trên khóe mắt người. Tôi không muốn nhìn giọt lệ đâu.
Tự dưng tôi ước gì Nhà nước có chính sách cho những Giọt Nước, sung không gian quanh nó thành đất công, và coi nó là một báu vật của con người, di sản xã hội, là khoa học và văn hóa sống. Để nàng H’Ben không phải cứ mỗi lần nhớ Ea K’ha, lại đi sang các buôn khác để tìm kiếm sự mát lành, gùi nước, và như tôi cứ muốn hét lên thật to cho thỏa lòng trước thiên nhiên bao dung nhân từ.
Bởi tiếng cồng chiêng vang lên tưng bừng; người quấn tấm thổ cẩm đi lắc lưu đôi mông; hình ảnh mái nhà rông cao vút; căn nhà sàn dài lê thê như lâu nay mọi người nghĩ về Tây Nguyên kia thật ra chỉ là hình tướng, bề mặt thôi, chứ chưa phải sự sống nội tâm của Tây Nguyên đại ngàn, của xã hội và nền văn hóa gắn với thảo mộc. Cái bên trong, cái lặng thầm, vi tế, cái sinh hoạt thường nhật mới là cái chính mình, là mình.
Khi bạn mở vòi romine tôi không tin bạn cảm nhận được cái hồn thăm thẳm của giọt nước. Nước đến từ nơi xa xăm, từ sự rạo rực của hải lưu ngoài đại dương, từ những đám mây đen trên trời, về sự tích tụ hơi nước trong thiên nhiên, áp suất trong khí quyển, đến những tế bào nước trằn trọc, giọt nước đi ra từ rễ cây, mà thành dòng, chỉ có thể hiểu thấu triệt nó từ Ea K’ha, và người Tây Nguyên bản địa.
Nước thì gần gũi, nhưng hành trình miệt mài của nó không chỉ về sinh học, hóa học, lý học, mà còn lòng người, tự tình xứ sở. Với tôi lâu nay, Giọt Nước kia mới là Tây Nguyên. Hồn cốt Tây Nguyên là ở ngay Ea K’ha này. Tôi bày tỏ thì thầm vậy, có đúng không H’Ben thương quí, nàng ơi !?.
Cấu trúc vật chất nó gồm chủ yếu là nguyên tố Hydro, và Oxy với công thức hóa học là H2O, chỉ thế thôi. Thế mà nó duy trì mọi sự sống trên mặt đất này. Nhưng nó không đơn thuần là một hợp chất của các nguyên tử hydro và oxy, thứ “vật chất”. Như ở đây, nơi sơn cước này, nó là thực thể có tâm hồn, sản sinh ra tâm hồn và tình yêu cho muôn loài trên mặt đất đó.
Nhưng đâu phải loài nào, cộng đồng nào cũng thật hiểu về Nước như người sơn nguyên đây. Bất cứ lúc nào ở bên “Giọt Nước”, tôi hét lên tiếng của mình, là nghe vọng lại những âm thanh của núi rừng xa xưa. Thứ thanh âm lạ lắm, của trời xanh đất thẳm, thuần khiết tuyệt đối; không thể làm “giả” được. Cứ như rằng ở đó có “ánh sáng”, thách thức trái tim cùng đầu óc tôi.