Chuyện nhà nông... nhàn nhã ở Mỹ

Thứ bảy - 05/03/2016 08:39
Nông dân Mỹ không làm ruộng theo kiểu thông thường mà rất nhàn nhã. Nhìn họ chợt thấy lo cho mục tiêu công nghiệp hóa, nông nghiệp của nước mình vào năm 2020.
Quản lý chất lượng nước sạch nông nghiệp mỹ
Quản lý chất lượng nước sạch nông nghiệp mỹ

Mô hình sản xuất nông nghiệp kiểu Mỹ

Không “chân lấm tay bùn”
Mỹ là đất nước có GDP/PPP lên tới 14.660 tỷ USD (2010), tuy nhiên nông nghiệp chỉ chiếm tỷ lệ có 1,1% trong GDP. Lao động làm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản chỉ chiếm có 0,7% trong tổng số 153,9 triệu lao động trên toàn nước Mỹ. Vậy mà nông nghiệp Mỹ lại là mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa rất điển hình.
Cánh đồng ở Mỹ trông lút tầm mắt mà không thấy những chiếc bờ ruộng quen thuộc như ở nước ta. Cư dân nông thôn Mỹ chỉ chiếm có 18%, cư dân thành thị chiếm 82% trong tổng số trên 313,23 triệu dân (2011) và chỉ có khoảng 0,7% làm nông nghiệp trong tổng số 153,9 triệu người lao động.
Họ không phải là nông dân theo cách hiểu thông thường, họ là công nhân nông nghiệp vì lao động hoàn toàn bằng các phương tiện cơ giới hóa. Khi cần thu hoạch cà chua hay các sản phẩm không sử dụng được máy móc, người ta thuê lao động từ nước Mexico. Tôi đã sang Mexico và nhiều người nói với tôi là chỉ cần làm thuê một vụ thu hoạch ở Mỹ cũng đủ sống cả năm (!).
Đứng trước cánh đồng trồng cà chua ở Mỹ, tôi thậm chí không nhìn thấy đất, vì toàn bộ diện tích đất được phủ kín bằng màng chất dẻo (tránh bay hơi nước). Cây cà chua mọc lên từ các lỗ khoét nhỏ, cao đến đâu lại được che tiếp bằng màng chất dẻo (để lọc ánh sáng có hại và phòng tránh sâu bệnh).
Tôi cũng không nhìn thấy mương máng vì nước hòa phân bón được nhỏ giọt vào từng gốc cà chua bằng những ống chất dẻo rất nhỏ (để tiết kiệm nước và phân bón). Người nông dân lái máy kéo ngồi trong cabin có lắp điều hòa nhiệt độ và hầu như mọi hoạt động trên đồng ruộng đều đã được cơ giới hóa.
Năm 2006, Chính phủ Mỹ đã trợ cấp tới 25 tỷ USD để hỗ trợ về thu nhập, bảo lãnh giá cả hoặc giống cây trồng cho nhà nông.

nông nghiệp nước mỹ

Công nghệ sinh học đã có đất phát triển nhanh chóng ở Mỹ. Bên cạnh việc cải tiến về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thì Mỹ là nước đi đầu trong số 23 nước trên thế giới triển khai rộng lớn cây trồng chuyển gen (GMC-genetically modified culture). Dân số thế giới đã tăng lên quá 7 tỷ người và dự kiến sẽ lên tới 8 tỷ người vào năm 2025, và 10 tỷ người vào năm 2050.
Kỹ thuật tạo giống cổ điển kiểu “cách mạng xanh” của thập niên 60 thế kỷ XX đã không còn có khả năng tăng năng suất cao như trước (75%), mà chỉ còn khoảng 1,5% mỗi năm. Trong khi ấy, kỹ thuật chuyển đổi gen đã cho thấy có khả năng tạo một bước nhảy vọt, không những trong việc tăng năng suất và chất lượng cây trồng mà còn cải thiện được môi trường, bảo vệ sức khoẻ của nông dân (ít tiếp cận với hoá chất) và người tiêu thụ (thức ăn không có tồn dư hoá chất, kim loại nặng, vi sinh vật… vượt ngưỡng cho phép).
Sức mạnh của trang trại
Nước Mỹ có khoảng 2,1 triệu trang trại, với diện tích bình quân mỗi trang trại là 178ha. Các trang trại chiếm mật độ cao ở một số bang ở vùng Trung Tây nước Mỹ do đất đai ở đây thuộc loại màu mỡ nhất thế giới. Đối với toàn nước Mỹ thì diện tích đất trồng trọt chỉ chiếm có 18,01% đất đai, trong đó diện tích trồng trọt thường xuyên chỉ chiếm có 0,21% đất đai (!).
bón phân bằng máy bay nông nghiệp mỹ
Chính nhờ cơ giới hóa triệt để nên sản lượng nông nghiệp của Mỹ là rất lớn dù số lao động không nhiều. Lấy số liệu năm 2010 làm ví dụ, tổng kim ngạch xuất khẩu là 1.289 tỷ USD và tuy tỷ lệ nông sản phẩm xuất khẩu chỉ chiếm 9,2% cũng đã là 118,58 tỷ USD (chủ yếu là ngô, đậu tương, hoa quả).
Mặc dù nông nghiệp ở Mỹ chỉ chiếm một phần nhỏ trong GDP nhưng các trang trại vẫn duy trì được sức mạnh kinh tế và chính trị của mình. Ngay từ năm 2002, giá trị thị trường của sản lượng nông nghiệp Mỹ đã đạt hơn 200 tỷ USD, bao gồm 45 tỷ USD từ thịt gia súc và da bò; gần 40 tỷ USD từ các loại hạt như ngô, lúa mì và các loại hạt dầu như đậu nành; gần 24 tỷ USD từ gia cầm và trứng; 20 tỷ USD từ sữa và các sản phẩm bơ sữa và 12 tỷ USD từ cừu và lợn. Tuy Mỹ thường trong tình trạng thâm hụt thương mại nhưng lại thặng dư trong thương mại nông sản. Năm 2007, các trang trại Mỹ xuất khẩu 78 tỷ USD, khoảng ¼ sản lượng đầu ra của các nông trại Mỹ được xuất khẩu.
Năm 2006, Chính phủ đã trợ cấp tới 25 tỷ USD để hỗ trợ về thu nhập, bảo lãnh giá cả hoặc giống cây trồng cho nhà nông. Chính nhờ trợ cấp của Chính phủ mà nhiều trang trại ở Mỹ đã chuyển đổi từ mô hình trang trại gia đình quy mô nhỏ sang tập đoàn nông nghiệp trang bị công nghiệp hóa ở mức hiện đại. Riêng 25.000 người trồng bông ở Mỹ mỗi năm đã nhận được tiền trợ cấp từ Chính phủ lên đến 2,5-3 tỷ USD.
Một đất nước đông tới 313,232 triệu dân, nông nghiệp chỉ chiếm 1,1% trong cơ cấu GDP, tỷ lệ lao động nông nghiệp chỉ chiếm 0,7% lực lượng lao động cả nước (2010) nhưng lại là nước xuất khẩu nhiều nông sản phẩm, là nước dẫn đầu về các sản phẩm công nghệ sinh học hiện đại và bình quân thu nhập đầu người (GDP/PPP) hiện là 47.200 USD.

Tác giả bài viết: GS Nguyễn Lân Dũng theo Báo Dân Việt

Nguồn phát: Nhật Trường Kon Tum

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Tuyên bố trách nhiệm: Thông tin trên samtuoingoclinh.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên samtuoingoclinh.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây