Được cho là “đông trùng hạ thảo (một loại dược liệu quý của Trung Quốc) của Việt Nam”, sâu chít càng trở thành tâm điểm chú ý khi có khảo cứu khoa học về tác dụng trong hỗ trợ điều trị ung thư, tráng dương được công bố...
Đối với người dân Tây Bắc, sâu chít là niềm tự hào về sản vật đặc biệt của địa phương mình. Anh lễ tân khách sạn Him Lam tên Mẫn cho biết, sâu chít chính là một trong những đặc sản thiên nhiên “có một không hai” ở một số vùng núi phía Bắc như: Lạng Sơn, Điện Biên, Sơn La.
Xuyến, cô nhân viên phục vụ một nhà hàng ở Điện Biên, đem đến bình rượu có con sâu mà mọi người đang quan tâm này. Rượu sâu chít mới nhìn thì thấy cũng bình thường như các thứ rượu gạo vốn có. Cũng chỉ là loại đựng trong chai nước suối có cái màu vàng đục, nhìn vào thấy xác mấy con sâu nằm dưới đáy bình... Cảm giác lạ nhất chỉ là mấy con sâu lạ so với các loại rượu khác.
Xuyến “cam kết”: đồ uống này có tác dụng tốt với cả nam giới lẫn nữ... Xuyến còn cho biết, thịt sâu chít vốn là món tăng cường sinh lực không chỉ dành cho cánh đàn ông mà với cách chế biến phù hợp, sâu chít còn giúp cải thiện da và sức khoẻ phụ nữ, cho những người thể trạng yếu.
Loài sâu nằm trong thân cây
Đây vốn là loại côn trùng sống trong thân cây chít. Để biết cây nào có sâu chít , người thu hái sẽ lựa chọn những cây có dấu hiệu bệnh, không thể ra hoa (đó chính là cây đã bị ấu trùng ký sinh). Người dân bắt sâu chít bằng cách “chẻ” đôi ngọn chít để moi sâu ra. Những con sâu chít tươi rói có màu trắng sữa, căng mọng sau khi được lấy ra thường được thả trong chậu rượu nhạt. Thứ rượu ấy sẽ giữ cho sâu không bị biến chất.
Tại chợ thị xã trung tâm Điện Biên, tôi mua rượu sâu chít của cô bán hàng tên Hoa với giá bán 120.000đ/chai nước suối cỡ hơn nửa lít. Dò hỏi thì Hoa cho biết, thường người dân thu hoạch sâu chít vào tháng 11 - 12 hàng năm. Tuy nhiên, các tháng khác không phải mùa thu hoạch chính nhưng cũng có nhiều sâu chít, bởi chúng hợp với vùng đất này và sinh tưởng tự nhiên, phát triển tốt...
Hoa cho chúng tôi xem những ngọn chít có chiều dài khoảng 35-40cm được bó gọn ghẽ như các bó củi. Cô mua lại của những người dân địa phương thường chỉ vài chục ngàn đồng. Sau đó mướn người ngồi chẻ cây lấy sâu chít. Sâu chít bán thành kg hoặc lạng từ vài chục ngàn đến hơn triệu đồng tùy vào chất lượng.
Chị Hoa đang thu hạch sâu chít từ những bó chít mua lại của người dân địa phương
Ngoài cách sử dụng phổ biến nhất là ngâm rượu uống, sâu chít có thể sao khô, nấu cháo. Số liệu khảo cứu cho thấy loài “đông trùng hạ thảo” có hàm lượng protein chiếm 25-32% trong cơ thể, trong đó có 6 axit amin, còn sâu chít cũng có hàm lượng protein tương đương nhưng thành phần axit amin được xác định lên đến 17/20 loại cần cho cơ thể.
Vì vậy, ở Điện Biện và các vùng Tây Bắc hiện nay rượu sâu chít và thịt sâu chít là những thứ được tiêu thụ mạnh cho khách miền xuôi.
Theo DS Đỗ Huy Bích: sâu chít là ấu trùng của loài buwowmsBrihaspa astrostigmella. Sâu dài khoảng 35mm, màu vàng ngà, sống trong thân cây chít hay cây đót, cây le vào mùa đông, cắn đục thân cây làm cây ngừng sinh trưởng. Đến mùa lá, chồi cây mọc lại thành cây thảo (giống hiện tượng của vị thuốc đông trùng hạ thảo).
Người ta thu hoạch sâu chít bằng cách tìm những cây chít bị cụt ngọn, cắt ngang thân ở phía trên khoảng 50 - 60cm, chẻ đôi, lấy sâu. Rửa sạch sâu bằng nước muối, rang hoặc sấy khô. Khi dùng, tẩm sâu với mật ong, rồi lại sấy khô. Dược liệu có vị ngọt, tính ôn, được dùng thay thế vị đông trùng hạ thảo của thuốc Bắc với tác dụng bổ tinh tủy, ích phế thận, tráng dương khí, chữa suy nhược thần kinh, đau lưng do thận hư, liệt dương, mỏi gối. Liều dùng hằng ngày là 6-12g dưới dạng rượu ngâm. Rượu này ngâm lâu sẽ thấy lớp chất béo nổi lên trên nên khi dùng phải lắc đều. Có thể dùng dạng xào, nấu với trứng hoặc hầm với thịt ăn hằng ngày.
Rượu sâu chít được cho là một loại rượu bổ dương
Gây “độc” cho tế bào ung thư
Cách đây không lâu, TS.BS Phan Anh Tuấn cùng các cộng sự thuộc Viện Y học Cổ truyền Quân đội, Đại học Y Hà Nội đã thực hiện công trình nghiên cứu về loài sâu chít này và đã có kết luận đầy đủ về đặc điểm sinh học (các giai đoạn phát triển trong vòng đời) của chúng.
Trong quá trình nghiên cứu để xác định tên khoa học của loài này, TS Phan Anh Tuấn và các cộng sự đã mất hơn 2 năm tìm kiếm thông tin tại các tỉnh Tây Bắc và đã phải gửi mẫu sâu chít trưởng thành sang Viện Bảo tàng động vật của Hoàng gia Anh để tham khảo ý kiến. Kết quả nghiên cứu đã khẳng định, loài côn trùng này có nhiều tác dụng đối với sức khoẻ con người, đặc biệt là khả năng phục hồi thương tổn hệ miễn dịch sau chiếu xạ.
Theo nghiên cứu của TS Tuấn, sâu chít còn giúp phục hồi các chỉ số sinh sản và bước đầu có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh nhân ung thư có xạ trị. Đặc biệt, một kết luận cũng khá thú vị khác là, sâu chít có tác dụng gây "độc" tế bào ung thư người.
Vì vậy, có thể sử dụng sâu chít để bào chế thuốc chống u, điều trị hỗ trợ bệnh nhân ung thư. Tuy nhiên, sâu này không có tác dụng điều trị như thuốc. Hiệu quả điều trị của nó có được là thông qua sự kích thích đáp ứng miễn dịch của cơ thể để chống lại vi sinh vật gây bệnh. Sâu chít cũng được khẳng định là không độc với cơ thể, nên hoàn toàn có thể sử dụng làm thực phẩm và dược liệu tốt.
Các bác sĩ thuộc Viện Y học Cổ truyền Quân đội tiến hành thử nghiệm tác dụng tăng cường sinh lực nam giới bước đầu cho kết quả khả quan trên động vật thí nghiệm. Ngoài ra, họ cũng đã nghiên cứu thành công thức và quy trình sản xuất thực phẩm chức năng “rượu bổ sâu chít” ở quy mô phòng thí nghiệm, đủ điều kiện đăng ký độc quyền sản phẩm và giấy phép lưu hành.
Chính vì những nghiên cứu khoa học bước đầu này về tác dụng hữu hiệu của chúng, mà sâu chít đang trở thành món hàng quý ở vùng núi Tây Bắc này và được quan khách miền xuôi đánh giá cao khi sở hữu chúng. Thực tế ở vùng núi này đang rộ lên tình trạng mọi người thi nhau ra rừng tìm sâu chít và cách khai thác vô tội vạ đã khiến những đám lau, chít chưa có sâu bị chặt phá sạch.
Anh Hiệp, cán bộ phòng QLKH Sở KH&CN tỉnh Điện Biên cho biết, trước đây, các nhà khoa học đã nghiên cứu nuôi nhân tạo sâu chít trong phòng thí nghiệm nhưng chưa thành công. Hiện nay, TS.BS Phan Anh Tuấn cùng các nhà côn trùng học cũng đã thực hiện đề tài “Nuôi sâu để khai thác bền vững”.
Họ đã xác định lại bằng cách nuôi bán nhân tạo ở Điện Biên - nơi đang có điều kiện tự nhiên tốt để phát triển loài sâu được đánh giá là quý hiếm này.