Nguồn gốc Khoai Tây
Khoai tây (tên khoa học là Solanum tuberosum), thuộc họ cà (Solanaceae). Khoai tây là loài cây nông nghiệp ngắn ngày, trồng lấy củ chứa tinh bột. Chúng là loại cây trồng lấy củ rộng rãi nhất thế giới và là loại cây trồng phổ biến thứ tư về mặt sản lượng tươi - xếp sau lúa, lúa mì và ngô. Lưu trữ khoai tây dài ngày đòi hỏi bảo quản trong điều kiện lạnh.
Loài khoai tây hoang dã mọc trên khắp châu Mỹ, từ Hoa Kỳ cho tới miền nam Chile. Người ta từng cho rằng khoai tây đã được thuần hóa độc lập tại nhiều địa điểm, nhưng sau đó thử nghiệm di truyền học trên nhiều giống cây trồng và các loại khoai tây hoang dã đã chứng tỏ có một nguồn gốc duy nhất của khoai tây là ở khu vực miền nam Peru và cực tây bắc Bolivia ngày nay.
Nơi con người đã thuần hóa được khoai tây từ 7 đến 10 nghìn năm trước. Sau nhiều thế kỷ chọn lọc và nhân giống, hiện nay đã có hơn một nghìn loại khoai tây khác nhau. Hơn 99% các loài khoai tây được trồng hiện nay trên toàn cầu có nguồn gốc từ nhiều giống khác nhau ở vùng đất thấp trung-nam Chile, các giống này đã được di dời từ các cao nguyên Andes.
Sau cuộc chinh phục Đế chế Inca của Tây Ban Nha, người Tây Ban Nha giới thiệu khoai tây ra châu Âu trong nửa cuối thế kỷ 16. Sau đó nó được vận tải chủ yếu bằng đường biển ra các vùng lãnh thổ và hải cảng trên toàn thế giới. Khoai tây bị người nông dân châu Âu chậm chấp nhận do họ không tin tưởng. Để rồi sau đó nó trở thành một cây lương thực quan trọng và là cây trồng đóng vai trò làm bùng nổ dân số châu lục này trong thế kỷ 19.
Tuy nhiên, ban đầu khoai tây thiếu đa dạng di truyền, do có rất hạn chế số lượng giống cây được giới thiệu, nó còn là cây trồng dễ bị bệnh. Năm 1845, một căn bệnh thực vật gọi là bệnh rụng lá gây ra bởi nấm Phytophthora, lây lan nhanh chóng thông qua các cộng đồng nghèo ở miền tây Ailen, dẫn đến mùa màng thất bát và xảy ra nạn đói. Hàng ngàn giống cây vẫn còn tồn tại ở vùng Andes, nơi mà 100 giống khoai tây khác nhau có thể tìm thấy, nhiều giống được lưu trồng bởi những hộ nông dân.
Chế độ ăn uống hàng năm của một công dân tính trung bình toàn cầu trong thập kỷ đầu thế kỷ 21 bao gồm khoảng 33kg khoai tây. Nó vẫn là cây trồng chủ lực của châu Âu (đặc biệt là phía đông và trung tâm châu Âu), nơi sản xuất khoai tây bình quân đầu người lớn nhất, nhưng việc mở rộng trồng trọt khoai tây diễn ra mạnh mẽ nhất tại Nam Á và Đông Á trong vài thập kỷ qua. Trung Quốc hiện là nước sản xuất khoai tây lớn nhất thế giới, gần 1/3 sản lượng khoai tây thế giới được thu hoạch ở Trung Quốc và Ấn Độ.
Gần đây báo chí cho biết ông Julio Hancco, một nông dân 62 tuổi sống ở làng Pampacorral, miền trung Peru hiện đang trồng và lưu trữ tới 300 loại khoai tây khác nhau trong số 3.000 loại đang được trồng trên thế giới.
Củ khoai tây và những kiến thức cần biết trong chế độ ăn kiêng
Cây khoai tây phát triển có chiều cao khoảng 30 cm và có rất nhiều củ dưới lòng đất. Củ thường có hình tròn và hình bầu dục nhưng có kích thước khác nhau. Thịt của nó có màu kem sáng, màu hồng đỏ, hoặc màu nâu đỏ tùy thuộc vào từng giống và loại đất trồng có độ ẩm khác nhau. Khoai tây rất dễ chế biến và có mùi vị đặc trưng.
Khoai tây có rất nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho cơ thể. Thành phần dinh dưỡng tự nhiên ở khoai tây giúp cơ thể duy trì sức khoẻ nếu bị tiêu hao năng lượng. Dưới đây là các thông tin về hàm lượng dinh dưỡng:
Dinh dưỡng
Với 300 gram khoai tây luộc cả vỏ, chứa 261 calo, 0.3 gram chất béo và 5.6 gram protein cùng với hàm lượng chất xơ là 5,4 g, chất bột đường là 2,6 gam. Nhưng nếu bạn gọt vỏ trước khi nấu, sẽ làm mất 0,5 gram protein, tuy nhiên, lượng calo và chất béo vẫn giữ nguyên.
Vitamin
Khoai tây luộc có rất nhiều vitamin B phức (B – complex). Vitamin này có thể giúp hình thành các tế bào máu. Ngoài ra, vitamin B - complex cũng giúp phá vỡ carbohydrate và chất béo từ thực phẩm bạn ăn và có thể chiết xuất năng lượng từ protein. Một miếng khoai tây luộc chín trung bình sẽ đáp ứng được một nửa nhu cầu vitamin B-6 hàng ngày của cơ thể. Bổ sung khoảng 30% nhu cầu hàng ngày lượng niacin và thiamin. Khoai luộc cũng chứa khá nhiều vitamin C. Nhưng nếu khoai tây bị cạo vỏ trước chế biến, lượng vitamin C sẽ bị hao hụt một nửa.
Khoáng chất
Khoai tây chứa các khoáng chất như phốt pho, kali và magiê cùng với sự hiện diện của một số loại khoáng chất khác giúp xây dựng các mô thần kinh, chức năng cơ và sức khoẻ xương. Ăn nhiều khoai tây luộc có thể đáp ứng được ¼ nhu cầu kali hàng ngày của cơ thể. Khoai tây luộc sơ cũng có thể đáp ứng 20% nhu cầu magiê và phốt pho hàng ngày.
Khoai tây luộc trong chế độ ăn kiêng để giảm cân:
Có rất nhiều cách và công thức trong chế độ ăn uống để giảm cân. Một trong những yếu tố cơ bản nhất là lượng thức ăn hàng ngày tiêu thụ. Nếu khoai tây luộc được áp dụng với chế độ ăn kiêng, bạn sẽ thu được những lợi ích sau đây:
Loại bỏ chất béo
Khoai tây có thể hỗ trợ giảm cân. Điều này là do thành phần trong khoai tây có khả năng hấp thụ chất béo, sau đó loại bỏ nó qua đường tiêu hóa.
Kiềm chế cơn đói
Khoai tây có hàm lượng carbohydrate tương đối cao. Điều này làm cho một người áp dụng chế độ ăn kiêng sẽ chịu được đói lâu hơn. Tốt nhất là bạn ăn khoai tây nướng hoặc luộc để giảm thiểu chất béo do chiên, xào.
Cung cấp năng lượng
Năng lượng thu được từ việc ăn khoai tây sẽ giúp ích trong chương trình chế độ ăn kiêng của bạn. Điều này sẽ bù đắp lượng tiêu hao khi bạn thực hiện một số bài tập.
Không dễ dàng bị thực phẩm khác cám dỗ
Không chỉ chịu được đói, lượng calo cao trong khoai tây sẽ khiến bạn không bị cám dỗ bởi các loại thực phẩm khác. Lý do đó là tinh bột của khoai tây đã tiêu thụ sẽ làm đầy dạ dày của bạn.
Tạo thuận lợi cho hệ tiêu hoá
Hàm lượng chất xơ cao trong khoai tây sẽ giúp hệ thống tiêu hóa hoạt động tốt và hiệu quả trong quá trình ăn kiêng.
Giữ dáng
Hàm lượng vitamin B6 và vitamin C chứa trong khoai tây sẽ giúp cơ thể bạn tươi trẻ và thon thả bởi vì ngoài carbohydrate, cơ thể vẫn cần bổ sung vitamin.
Vượt qua cơn đói
Khoai tây chứa đủ nước. Điều này sẽ giúp bạn vượt qua cơn đói, vì thế chương trình ăn kiêng vẫn có thể vận hành một cách trơn tru.