Làm gì để phát triển được chuỗi giá trị nông sản "độc", lạ?

Thứ sáu - 06/03/2015 22:17
Trong những năm gần đây, cứ gần đến Tết Nguyên đán là người dân lại tung ra các sản phẩm cây, con đặc sản với giá trị khá cao. Đây là một hướng đi đúng của người nông dân, tuy nhiên làm gì để phát triển được chuỗi giá trị này? NTNN đã phỏng vấn ông Đào Đức Huấn – Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn).
Mỗi con vịt trời được anh Tô Quang Dần ở xã Đông Phú, huyện Lục Nam,  Bắc Giang bán với giá 300.000-400.000/kg, cao gấp 4-5 lần vịt thịt. Ảnh: Trần Quang
Mỗi con vịt trời được anh Tô Quang Dần ở xã Đông Phú, huyện Lục Nam, Bắc Giang bán với giá 300.000-400.000/kg, cao gấp 4-5 lần vịt thịt. Ảnh: Trần Quang
Trong những năm gần đây ngày càng có nhiều những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, họ đưa ra thị trường những sản phẩm độc đáo như cây ngũ quả, thất quả, phật thủ… hay các sản vật như gà Đông Tảo, vịt trời… ông có đánh giá gì về xu thế này của nông dân?
- Sự thành công của các mô hình sản xuất các sản phẩm đặc sản là xu thế phát triển theo đúng quy luật của thị trường vì 3 lý do: Thứ nhất, khi thu nhập tăng lên, tiêu dùng các sản phẩm đặc sản không chỉ phục vụ nhu cầu về chất lượng mà còn mang một ý nghĩa về “sự độc đáo” và một phần nào đó thể hiện về “đẳng cấp” trong tiêu dùng. Vì vậy, đa phần các sản phẩm này hiện nay chủ yếu là được tiêu thụ tại đô thị, nơi có điều kiện về thu nhập và các nhu cầu ngoài tiêu dùng tăng lên như thờ cúng, làm quà biếu…
Vấn đề thứ hai là, sự phát triển của các mô hình này xuất phát trên các nền tảng văn hóa sản xuất và tiêu dùng của người dân Việt Nam, nó dựa trên danh tiếng và sự đặc thù của sản phẩm tồn tại nhiều năm, đồng thời thị hiếu về tiêu dùng của người dân khi đời sống thay đổi. Nhiều sản phẩm trên thị trường hiện nay thường gắn với từ “tiến vua”, như gà Hồ tiến vua, gà Đông Tảo tiến vua, chuối ngự, bưởi tiến vua… tất cả những yếu tố đó đều “đánh trúng” thị hiếu của người tiêu dùng.
Yếu tố thứ ba đó là sự phát triển của các sản phẩm này phù hợp với lợi thế trong sản xuất nông sản của Việt Nam. Với những đặc thù về điều kiện tự nhiên, sự đa dạng về văn hóa, trình độ và truyền thống của người dân được đúc kết theo thời gian, nước ta có nhiều sản phẩm đặc thù, mà thường được gọi là đặc sản.
Chỉ với một trái cây nhưng nếu có sự đầu tư, một quả bưởi có thể bán được giá gấp hàng chục đến hàng trăm lần, một con gà có thể bán được giá cả 1 cây vàng, nhưng có vẻ để sản xuất được cũng không phải là dễ, bởi người nông dân chủ yếu vẫn phải tự mày mò?
 
- Xu thế phát triển các chuỗi giá trị đặc sản là một hướng đi đúng và cần khuyến khích để phát triển, bởi đây là những sản phẩm có chất lượng, danh tiếng và thị trường luôn có nhu cầu. Chúng ta không thể phủ nhận sự sáng tạo và nỗ lực của người dân trong sự thành công của các sản phẩm đặc sản, bởi họ là người tìm tòi, sáng tạo, sản xuất và đưa sản phẩm đó ra thị trường như quả bưởi hồ lô hay dưa hấu vuông, dưa hấu thỏi vàng chẳng hạn. Tuy nhiên, chúng ta không thể phủ nhận vai trò của Nhà nước, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ của các bộ, ngành và địa phương trong sự thành công đó.
Tôi lấy một ví dụ về gà Đông Tảo, nếu để ý thì con gà Đông Tảo có giá hàng chục triệu đồng cỡ 1 cây vàng mới xuất hiện cách đây một vài năm. Nhưng để có được điều đó, Bộ NNPTNT, UBND tỉnh Hưng Yên đã triển khai dự án bảo tồn và phục tráng giống gà Đông Tảo cách đây hơn 5 năm, đó là cơ sở nền móng để có được những sản phẩm như hiện nay.
Mặc dù thời điểm hiện nay, cách sản xuất kinh doanh sáng tạo này của nông dân đang rất thành công nhưng theo ông liệu có tiềm ẩn những rủi ro gì không, bởi đầu tư vào sản xuất sản phẩm đặc sản cần rất nhiều vốn, công sức?
 
Ông Đào Đức Huấn
  Cùng với việc phát triển sản xuất, người dân cần tập trung quản lý chất lượng, đặc biệt là bảo tồn về giống, quy trình kỹ thuật… Đặc biệt là người sản xuất phải có chiến lược để bảo vệ thương hiệu, đặc biệt là nguồn gốc của sản phẩm, tránh tình trạng lạm dụng danh tiếng trên thị trường như trong thời gian qua.
 
- Một trong những yếu tố hình thành lợi thế của sản phẩm đặc sản đó là các yếu tố về giống, điều kiện tự nhiên và kỹ thuật sản xuất của người dân. Sở dĩ các sản phẩm có được danh tiếng như ngày nay là sự khó tính trong việc chuyển vùng sản xuất, không phải đơn giản mà các đặc sản luôn gắn liền với một vùng lãnh thổ cụ thể như: Gà Đông Tảo, bưởi Phúc Trạch, xoài cát Hòa Lộc… Chính vì thế, sự thành công của các mô hình hiện nay không phải không có những rủi ro tiềm ẩn, cụ thể như chất lượng và danh tiếng của sản phẩm, nhất là việc duy trì và giữ sự ổn định về chất lượng của sản phẩm luôn phải đảm bảo, bởi có rất nhiều các sản phẩm đặc sản đang bị mai một dần do không giữ được chất lượng.
 
Vậy theo ông, để các mô hình sản xuất kinh doanh các sản vật nông sản, đặc sản phát triển, có thị trường ổn định không chỉ ở trong nước mà còn có thể xuất khẩu, chúng ta cần có những giải pháp và chính sách hỗ trợ như thế nào đối với người nông dân?
 
- Để tiếp cận thị trường xuất khẩu đối với các sản phẩm đặc sản của Việt Nam, tôi cho rằng chúng ta phải có những định hướng và giải pháp rõ ràng, cụ thể, cần phân loại và xác định các sản phẩm theo hướng tiếp cận thị trường, không phải tất cả các sản phẩm đều có thể tiếp cận thị trường xuất khẩu. Bởi rất nhiều sản phẩm của Việt Nam phát triển được và có giá trị trên thị trường dựa trên lợi thế về văn hóa, ví dụ như: Bưởi phật thủ, gà Đông Tảo, gà Hồ… nếu đưa những sản phẩm này ra thị trường nước ngoài thì rất khó có thể bán vài chục triệu đồng một con gà. Nhưng với những sản phẩm như: Xoài cát Hòa Lộc, bưởi Năm Roi, thanh long Bình Thuận, cà phê Buôn Ma Thuột… thì thị trường xuất khẩu lại là chiến lược trọng tâm, bởi giá trị của nó được hình thành chính trên lợi thế về chất lượng.
 
Xin cảm ơn ông!

Tác giả bài viết: Thanh Xuân (Thực hiện) (Dân Việt)

Nguồn phát: samtuoingoclinh.com

 Từ khóa: sâm dây kon tum

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tuyên bố trách nhiệm: Thông tin trên samtuoingoclinh.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên samtuoingoclinh.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây